Phim "Trò chơi con mực" do Hàn Quốc sản xuất và trở thành tâm điểm chú ý gần đây. Phim nói về cuộc sống nhân vật Seong Gi-hun (Lee Jung-jae đóng) - một người trung niên mê cờ bạc, nợ ngập đầu. Một ngày nọ, anh ta gặp kẻ bí ẩn rủ rê tham gia trò chơi với tiền thưởng khổng lồ.
Sau nhiều đắn đo, Seong Gi-hun đồng ý tham gia và được đưa đến một nơi bí mật. Nhân vật này gặp 455 người khác cũng đồng ý tham gia trò chơi.
Trong từng vòng, họ chơi những trò quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc nhưng nếu không vượt qua thì sẽ phải trả giá bằng sinh mạng.
Cảnh trong "Trò chơi con mực"
Những người tham gia chơi những trò quen thuộc của trẻ em
Nếu không thắng, người chơi sẽ trả giá bằng mạng sống
Theo trang Daily Mail, nhiều trường học ở Anh kêu gọi phụ huynh theo dõi những gì con họ đang xem trong nỗi lo sợ việc bắt chước các cảnh trong phim "Trò chơi con mực". Trường Sandown ở thị trấn Deal, hạt Kent cho biết đã cho học sinh học thêm về an toàn trực tuyến và sự nguy hiểm của việc xem nội dung "không phù hợp với lứa tuổi" như một biện pháp phòng ngừa trước sự nổi tiếng toàn cầu của phim "Trò chơi con mực".
Học viện Goodwin ở thị trấn Deal xác nhận rằng đã gửi thư cho các phụ huynh để họ quan tâm đến việc này. "Chúng tôi nhận được các lá thư cảnh báo từ trường về việc cho con xem "Trò chơi con mực" - một phụ huynh thông tin.
Một phụ huynh khác nói rằng các con của anh học tại trường ở thị trấn Ilford, phía Đông London - Anh cũng nhận cảnh báo về việc bọn trẻ chơi các trò bắt chước trong "Trò chơi con mực" theo phiên bản riêng của chúng và phụ huynh có thể bị xử phạt vì việc này.
Phim vẫn đang gây sốt toàn cầu
Nhiều trường học lo ngại học sinh sẽ bắt chước nếu xem phim "Trò chơi con mực"
Một số trò chơi trong phim "Trò chơi con mực" đã trở thành xu hướng gây sốt trên Tiktok và một số nền tảng mạng xã hội khác.
Một số khán giả cho rằng "Trò chơi con mực" bạo lực quá mức và kêu gọi cấm người xem dưới 20 tuổi. Trước đó, phim đưa ra mức đánh giá là phù hợp người xem từ 15 tuổi trở lên và phía Netflix cũng cảnh báo thêm rằng nội dung phim có các cảnh tình dục, bạo lực, tự tử.
"Khi có những lo ngại về an toàn, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi đang xem phim ở nhà, cha mẹ cần phải đánh giá xem bộ phim có phù hợp với con mình hay không. Họ nên giám sát khi có bất kỳ chương trình giải trí nào chủ đề người lớn mà con mình muốn xem" - John Jolly, Giám đốc điều hành của Parentkind, một tổ chức với sứ mệnh hỗ trợ các bậc cha mẹ trong lĩnh vực giáo dục ở Anh, đề nghị.
Bình luận (0)