Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) phải đoạn chi để giữ mạng sống cho một phụ nữ ở miền Tây bị vết thương ở kẽ ngón chân tự chích kim nặn mủ dẫn đến nhiễm trùng. Bệnh nhân là bà N.T.H (68 tuổi, ở Bến Tre), bị bệnh đái tháo đường hơn 16 năm, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nhiễm trùng, hoại tử bàn chân phải.
Dịch bệnh thời đại
Dù được điều trị tích cực, dẫn lưu mủ, cắt lọc hoại tử, làm sạch vết thương..., tổng trạng sức khỏe dù tốt hơn nhưng vết thương không cải thiện, các ngón chân tím đen dần do thiếu máu nuôi. Đánh giá khả năng giữ lại bàn chân rất mong manh, các bác sĩ tiến hành cắt chân cứu mạng người phụ nữ. Theo ThS-BS Hoàng Thị Hồng Linh, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trường hợp này nếu không xử trí sớm sẽ đối diện với nguy cơ nhiễm trùng huyết, hoại tử mô sâu lan rộng lên bắp chân, bắp đùi... dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.
Một trường hợp khác là bà L.T.H (59 tuổi), bị vết loét ở bàn chân, nhiễm trùng nặng, đau đớn. Bà không để ý chân mình có vết thương cho đến khi đau nhức. Vết thương không bớt mà ngày càng lan rộng, không thể đi lại và đau đớn dữ dội hơn. Tại Hệ thống Y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard Healthcare (TP HCM), nhận định còn hy vọng giữ được bàn chân, các bác sĩ liên chuyên khoa (nội tiết, phẫu thuật mạch máu, dinh dưỡng...) phối hợp và lên phương án điều trị cho bà: ổn định đường huyết, can thiệp ngoại khoa, bổ sung dinh dưỡng. Vết thương sau 3 tuần phẫu thuật, ghép da che khuyết hổng tiến triển tốt và bà H. được cứu sau chuỗi ngày dài cả vài tháng điều trị. Hiện tại, bà H. có thể đi tập thể dục hằng ngày.
Theo BS chuyên khoa II Phan Duy Kiên (người trực tiếp điều trị), còn rất nhiều trường hợp tương tự và không phải trường hợp nào cũng may mắn giữ được chân. Loét bàn chân là biến chứng nguy hiểm thường gặp, được xếp vào nhóm vết thương khó lành, điều trị phức tạp, tốn kém.
BS chuyên khoa II Trần Đoàn Đạo, Phó Chủ tịch Liên chi hội điều trị vết thương TP HCM, Cố vấn Y khoa Bernard Healthcare, nguyên Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vết thương xuất hiện ở hầu hết chuyên khoa, không một chuyên khoa nào ngoại lệ. Một vết thương không được chăm sóc, điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến vết thương khó lành, có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây đau đớn, hậu quả phải tháo khớp, đoạn chi.
Về cơ bản, các vết thương khó lành (vết thương mạn tính) là vết thương không lành trong vòng 4-8 tuần. Bất cứ vết thương nào cũng có thể trở thành khó lành và đặc biệt thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, suy tim...
"Hiện nay, trên toàn thế giới, vết thương khó lành đang được xem là một "bệnh dịch thầm lặng" của thời đại. Tại Việt Nam, nhu cầu chăm sóc, điều trị vết thương của người dân rất lớn nhưng công tác điều trị chuyên sâu chưa được chú trọng bởi chuyên khoa vết thương là mảng tương đối mới" - bác sĩ Đạo thông tin.
Hành trình nhân văn cứu người
Tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, nhiều người mắc đái tháo đường nhiễm trùng nặng nhập viện để đoạn chi, cắt ngón... hiện khá thường xuyên. Các nghiên cứu mới đây cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là hơn 7%, tương đương hơn 5 triệu người. Hơn 55% bệnh nhân hiện đã có biến chứng. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm.
Theo các chuyên gia, hầu hết người bệnh đái tháo đường, nhất là người không kiểm soát tốt đường huyết bị suy giảm hệ miễn dịch nên cơ thể suy yếu trước sự tấn công của vi khuẩn. Đường huyết không ổn định thường xuyên làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hạn chế máu đến nuôi các chi (tay, chân). Đây là 2 nguyên nhân khiến người mắc đái tháo đường hay bị loét chân.
Vết thương khó lành được cảnh báo toàn cầu vì là gánh nặng, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường cần 200 ngày điều trị để chữa lành. Loét do tì đè cần 223 ngày để chữa lành... Thực tế vết thương hiện nay tại Việt Nam là phần lớn bệnh nhân có vết thương khó lành không kịp thời nhận thức, nhận diện vết thương hoặc vẫn còn loay hoay không biết phải tìm đến đâu để điều trị.
Các chuyên gia y tế nhận định chăm sóc vết thương là lĩnh vực điều trị rất khó khăn, đòi hỏi phải đầu tư nhiều trang thiết bị cùng chuyên môn và sự kiên trì, tận tụy của người thầy thuốc. Hiện trên địa bàn TP HCM có 2 đơn vị điều trị bệnh nhân không may bị bỏng ở người lớn là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trưng Vương.
Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Bernard Healthcare, cho biết đơn vị triển khai lĩnh vực này để cứu người là một hành trình dài. Trong suốt cao điểm chống dịch COVID-19, các bác sĩ nơi đây đã nỗ lực để cứu chân, mạng sống cho bệnh nhân loét nhiễm trùng nặng, phức tạp trên nền bệnh lý đái tháo đường. Đây là những bệnh nhân không được chẩn đoán sớm hoặc điều trị gián đoạn vì dịch. Đến nay, số lượng bệnh nhân tìm khám hoặc được giới thiệu đến ngày càng đông. Đã có hơn 1.000 lượt khám và điều trị, trong đó loét bàn chân đái tháo đường chiếm tỉ lệ hơn 50%. "Điều trị vết thương đái tháo đường là khắc nghiệt bởi bệnh nhân đa phần có hoàn cảnh khó khăn, trong khi đeo đuổi một ca điều trị vết thương khó lành có thể kéo dài nhiều tháng, chi phí rất tốn kém" - bà Nam Phương cho biết.
Theo bác sĩ Đạo, ngoài việc cứu người, việc đào tạo chuyên môn điều trị vết thương chuyên sâu - bàn chân đái tháo đường cần chú trọng, đồng thời mở rộng hợp tác chuyên môn với các trung tâm vết thương chuyên sâu trên thế giới (châu Âu, Mỹ...) để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Cánh tay nối dài đến cộng đồng
Theo TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM, lĩnh vực chăm sóc vết thương là rất khó, cơ sở y tế tâm huyết đầu tư là điều đáng ghi nhận. Mạng lưới của Hội Y tế công cộng TP HCM sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này, làm "cánh tay nối dài" để đưa đơn vị chăm sóc vết thương đến với cộng đồng, chăm sóc cho những người bệnh đang có nhu cầu nhưng không có đủ khả năng về tài chính và điều kiện sức khỏe.
Bình luận (0)