Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, chăn nuôi gia súc chiếm khoảng 32% lượng khí thải metan do con người gây ra, chủ yếu đến từ quá trình tiêu hóa thức ăn - bao gồm lên men, ợ hơi... Tại Việt Nam, các báo cáo kiểm kê khí nhà kính cho thấy ngành chăn nuôi thải ra khoảng 18,5 triệu tấn CO2e/năm, chiếm 19% lượng phát thải trong nông nghiệp.
Bài toán khó
Ông Đặng Thái Nhị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên hợp Công - Nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (Đắk Lắk), cho biết công ty đang nuôi 3.000 con bò và xử lý tốt vấn đề môi trường nhờ chủ động sản xuất được vi sinh vật để phun thường xuyên lên chất thải của bò, tạo ra phân hữu cơ chất lượng cao.
Tuy nhiên, theo ông Nhị, ngành chăn nuôi bò hiện rất khó khăn vì không cạnh tranh được với bò sống nhập lậu sử dụng chất tăng trọng và trâu đông lạnh giá rẻ. Do đó, sẽ rất khó nếu muốn bảo đảm cả hai chỉ tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng. "Trên thế giới, mỗi con bò cần 1 ha đồng cỏ, còn Việt Nam thiếu đất nên 1 ha nuôi 10-20 con, đòi hỏi nguồn thức ăn thêm và việc xử lý môi trường khó khăn hơn" - ông Nhị nêu thực trạng.
Tuy gặp nhiều thách thức song không ít công ty, cơ sở chăn nuôi cũng bắt đầu đầu tư công nghệ để giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ cơ sở chăn nuôi Chí Thành (Đồng Nai), cho hay cơ sở có 10 trại chăn nuôi đều được đầu tư công nghệ mới với chi phí 6 tỉ đồng/trại, đồng thời phải giảm số lượng gia súc của mỗi chuồng xuống theo đúng tiêu chuẩn.
"Chuồng trại mới có đầy đủ tiện nghi như hệ thống làm mát, khử mùi, xử lý chất thải, hệ thống cung cấp thức ăn hoàn toàn tự động. Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi cũng tăng lên đáng kể, tỉ lệ hao hụt giảm" - ông Ngọc so sánh.
Tại Công ty CP Chăn nuôi Thanh Bình (Đồng Nai), Giám đốc Phạm Đức Bình cho hay chất thải từ hoạt động chăn nuôi được xử lý qua hệ thống biogas nhằm tận dụng khí metan để làm chất đốt lò hơi và cung cấp nhiên liệu cho máy phát điện.
Ở quy mô lớn hơn, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết Trang trại Green Farm Tây Ninh của doanh nghiệp có quy mô chăn nuôi 8.000 con bò, thải ra 500 tấn phân mỗi ngày. Với hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas, trang trại đã xử lý được các vấn đề về môi trường và cung cấp 100% phân bón hữu cơ cho 500 ha đồng cỏ; đồng thời tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền điện mỗi tháng khi dùng năng lượng khí đốt từ biogas thay thế.
Trước đó, tháng 5-2023, Vinamilk là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có cả trang trại và nhà máy được các tổ chức đánh giá độc lập quốc tế trao Chứng nhận đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Đại diện Vinamilk cho biết việc đầu tư vào phát triển bền vững, bao gồm khâu chăn nuôi, đã giúp doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích kinh tế như cải thiện hình ảnh thương hiệu và lợi thế cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí.
Cần sự hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, trang trại chăn nuôi hiện vẫn chưa là đối tượng bắt buộc kiểm kê phát thải khí nhà kính song một số trang trại lớn đã chủ động tiên phong. Còn với trang trại nhỏ, trở ngại lớn nhất là chi phí kiểm kê khá lớn.
"Gia súc bò, heo, gà đều có các chỉ số chung về phát thải theo đặc điểm sinh học. Do đó, có thể tính chỉ tiêu phát thải dựa trên số lượng vật nuôi để giảm chi phí cho các chủ trang trại" - ông Công đề xuất. Theo ông, để xử lý tốt vấn đề môi trường, các trang trại chăn nuôi cần đầu tư công nghệ tốt với chi phí cao, bởi vậy, rất cần nhà nước hỗ trợ lãi suất cho khoản vay này.
"Hỗ trợ lãi suất cho khoản vay xanh của ngành chăn nuôi mang lại rất nhiều lợi ích vì khi môi trường được xử lý tốt sẽ kiểm soát được dịch bệnh, nhà nước không phải tốn tiền cho các khoản hỗ trợ nếu xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa, số vụ khiếu nại liên quan trại chăn nuôi gây ô nhiễm cũng sẽ giảm và ngành trồng trọt sẽ có nguồn phân hữu cơ sạch từ chăn nuôi để sử dụng" - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai phân tích.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Bộ - Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng có nhiều tiến bộ kỹ thuật có thể giải quyết vấn đề này nhưng hiện chưa có nhiều mô hình trình diễn nên việc nhân rộng còn chậm. Ngoài ra, một số kỹ thuật yêu cầu độ chính xác cao, người sử dụng cần tuân thủ quy trình để có kết quả như mong muốn.
Ông Bắc dẫn chứng một số tiến bộ kỹ thuật hiện nay gồm: nhóm giải pháp về cải tiến năng suất vật nuôi để thời gian chăn nuôi không bị kéo dài; nhóm giải pháp về công nghệ thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn cho động vật nhai lại để giảm ợ hơi (phát sinh CH4) và nhóm giải pháp xử lý phân tối ưu. Đáng chú ý, công nghệ biogas xử lý phân bằng bạt HDPE có chi phí thấp, dung tích chứa lớn và độ bền cao, rất thích hợp khi cần tăng đàn nhanh mà không cần mở rộng diện tích chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Ngọc kiến nghị "mở rào" cho các trại chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Cụ thể, trại chăn nuôi hiện nay nếu muốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải, phải xin phép và được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, ông Ngọc đề nghị cho phép các đơn vị chăn nuôi tìm kiếm và mua sắm thiết bị xử lý chất thải, nếu đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thì được chứng nhận.
Chăn nuôi xa khu dân cư
Dẫn chứng Mỹ quy định hoạt động chăn nuôi phải ở xa khu dân cư, diện tích bảo đảm và chất thải được phơi khô tự nhiên để làm phân bón, ông Phạm Đức Bình kiến nghị Việt Nam cũng cần có quy định nghiêm ngặt về vị trí đặt cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi nên liên kết với các hộ canh tác cây trồng để đưa chất thải từ chăn nuôi sang trồng trọt, bởi đầu tư thêm thiết bị xử lý chất thải sẽ ngốn ít nhất 25% tổng vốn đầu tư.
Bình luận (0)