xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giận dữ sau tay lái, trả giá đắt

ANH VŨ

Một va chạm giao thông nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu người tham gia không biết cách kiểm soát cảm xúc, hành vi

Thời gian qua, tại TP HCM, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung khi xảy ra va chạm giao thông. Cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng có liên quan. Tại cơ quan công an, họ tỏ ra ân hận.

Va chạm là lao vào đánh nhau

Mới đây, Công an quận 1 (TP HCM) đã tống đạt lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Quách Minh Nhựt (34 tuổi, ngụ quận 6) để điều tra về hành vi "Cố ý gây thương tích". Nhựt được xác định là người đã đánh ông T. (50 tuổi, ngụ quận 1) gây bức xúc dư luận.

Sau khi bị bắt, Nhựt tỏ ra hối lỗi, mong gia đình ông T. bỏ qua. Nhựt cho biết sau khi bị nhắc nhở do di chuyển ô tô vào làn đường dành cho xe máy để đưa con chuyển viện nên đã không kiềm chế được cảm xúc.

Trước đó, Công an quận 4 đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng đối với Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, ngụ quận 10, tạm trú huyện Nhà Bè) về tội "Cố ý gây thương tích". Theo công an, sáng 9-12, chỉ vì va quệt nhẹ với xe máy của chị Q.T.T.A (23 tuổi, ngụ quận 1) trên đường Khánh Hội, phường 11, quận 4 mà Khoa đã dừng xe, dùng tay, cùi trỏ và đá liên tiếp vào mặt và vùng đầu chị A. Tại cơ quan công an, Khoa tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi của mình. "Tôi rất hối hận và rất mong được pháp luật khoan hồng. Tôi nhắn nhủ với các bạn trẻ đừng nên nóng nảy mà mất đi kiểm soát, đừng để sự việc đi quá xa giống tôi, để rồi phải trả giá như tôi" - Khoa nói.

Vừa qua, Công an quận 3 cũng đã bắt khẩn cấp 3 người liên quan vụ tài xế, tiếp viên xe buýt số 14 ẩu đả với shipper trên đường Võ Văn Tần. Theo đó, vào chiều 10-12, Lê Minh Hiền (37 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) chạy xe máy trên đường Võ Văn Tần thì xe buýt số 14 ép xe của Hiền vào lề đường dẫn đến xe của Hiền bị chao đảo.

Do bực tức, Hiền đã đuổi theo, chặn trước đầu xe buýt, chửi tài xế. Tài xế xe buýt cầm cây sắt xuống nói chuyện với Hiền. Sau đó, hai bên lao vào ẩu đả. Công an quận 3 đang tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi "Gây rối trật tự công cộng". Sau khi bị bắt, họ cho biết do đã quá nóng nảy nên phải trả giá...

Nhận diện và kiểm soát cảm xúc

KTS Trương Nam Thuận, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh và cũng là một chuyên gia giao thông, nhìn nhận hiện tượng trên không chỉ đơn thuần là phản ứng cá nhân, mà còn phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về sức khỏe tinh thần và áp lực xã hội mà người dân đô thị đang phải đối mặt hằng ngày.

TP HCM có mật độ phương tiện giao thông đông đúc và không gian sống chật chội, tạo ra một môi trường căng thẳng kéo dài. Bất kỳ sự cố nhỏ nào, như va quệt hay trầy xước xe, cũng dễ dàng bị cảm nhận như một mối đe dọa lớn, trở thành lý do để bùng nổ cơn giận. Đối với nhiều người, sự mất bình tĩnh này giống như một cách xả áp lực sau chuỗi ngày chịu đựng căng thẳng tích tụ.

Phụ xe buýt số 14 bị bắt khẩn cấp để điều tra. Ảnh: CÔNG AN CUNG CẤP

Phụ xe buýt số 14 bị bắt khẩn cấp để điều tra. Ảnh: CÔNG AN CUNG CẤP

Chưa kể, sức khỏe tinh thần của một bộ phận người dân hiện nay đang trong tình trạng báo động mà phần lớn họ không hề nhận ra. Một va chạm giao thông tưởng chừng vô hại trở thành điểm bùng phát, bởi tâm trí đã không còn đủ sức đối phó với thêm bất kỳ áp lực nào nữa.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt kỹ năng quản lý cảm xúc là một nguyên nhân sâu xa. Nhiều người không được giáo dục cách nhận diện và kiểm soát cơn giận, mà chỉ phản ứng theo bản năng mỗi khi bị kích động. Họ không biết cách giải tỏa áp lực một cách lành mạnh, mà thay vào đó, tiếp tục chịu đựng những cảm xúc tiêu cực trong im lặng.

"Sự thiếu kiên nhẫn là nguyên nhân khiến nhiều người nhanh chóng nổi nóng khi gặp sự cố, dù đôi khi nó không nghiêm trọng đến mức cần thiết" - KTS Trương Nam Thuận nói.

KTS Trương Nam Thuận đề xuất cần một giải pháp đồng bộ để cải thiện vấn đề này như tăng cường giáo dục về sức khỏe tinh thần và quản lý cảm xúc là điều cần thiết, giúp người dân nhận diện và kiểm soát cảm xúc của mình. Các chương trình nâng cao văn hóa giao thông cũng cần được triển khai rộng rãi, khuyến khích tinh thần tôn trọng và nhường nhịn trên đường.

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho biết các hành vi bạo lực của tài xế không chỉ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân mà còn tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người đi đường. Đặc biệt, trong những trường hợp xảy ra trên các tuyến đường đông đúc, hành vi như vậy còn gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt chung của cộng đồng.

Các hành vi bạo lực, nếu gây thương tích nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, tính chất côn đồ, hung hãn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của nạn nhân mà còn khiến người vi phạm phải chịu hình phạt nghiêm khắc từ pháp luật, làm gián đoạn cuộc sống cá nhân và gia đình họ.

Chưa kể, các sự việc tài xế hành hung người đi đường được lan truyền trên mạng xã hội đang tạo ra hình ảnh tiêu cực về văn hóa giao thông.

Luật sư Đào Thị Bích Liên đề xuất cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi bạo lực trên đường phố, áp dụng các tình tiết tăng nặng đối với những trường hợp mang tính côn đồ, gây hậu quả nghiêm trọng. Khuyến khích cộng đồng chủ động can thiệp, ngăn chặn các hành vi bạo lực trên đường phố bằng cách báo cáo ngay cho cơ quan chức năng.

"Các sự việc vừa qua là bài học cảnh tỉnh cho các cá nhân có xu hướng nóng nảy. Sự mất kiểm soát nhất thời đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm tổn hại đến người khác mà còn hủy hoại tương lai" - luật sư Đào Thị Bích Liên nhìn nhận.

Trong khi đó, PGS-TS Trương Văn Vỹ, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, khuyên khi xảy ra va chạm, mỗi người đều cần hết sức bình tĩnh, kìm nén và xử lý theo cách hòa giải. Trường hợp va chạm nặng thì nhờ cơ quan chức năng xử lý. "Đánh nhau là không nên và cần được nghiêm trị. Hệ thống camera dày đặc như hiện nay cũng là lời cảnh tỉnh cho các tài xế cần bình tĩnh khi hình ảnh xấu rất dễ được ghi lại" - PGS-TS Trương Văn Vỹ nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo