Ông Thanh Phương (ngụ tại TP Thủ Đức, TP HCM) là người chuyên săn hàng công nghệ giảm giá trên sàn thương mại điện tử. Khi tìm kiếm thiết bị sạc dự phòng dành cho chiếc điện thoại của mình, ông thấy nhiều cửa hàng bán thiết bị này chỉ với 1.000 đồng.
Ông Phương dẫn chứng một cửa hàng có tên "Shopdunn" đang đăng bán sạc dự phòng trong suốt 20.000mAh thương hiệu TZ07 với hình ảnh, mô tả giống như sản phẩm thật nhưng giá chỉ 1.000 đồng. Trong khi đó, giá bán thực tế trên thị trường dao động từ 199.000 - 229.000 đồng/sản phẩm.
"Rất nhiều cửa hàng khác trên một số sàn thương mại điện tử cũng bán loại sạc dự phòng tương tự, tai nghe bluetooth cao cấp với mô tả sản phẩm và hình ảnh như hàng thật nhưng chỉ với giá 1.000 đồng. Dưới phần bình luận, một số người mua phản hồi tích cực như giá rẻ, pin sử dụng được khá lâu, chất lượng tốt... Song, với kinh nghiệm mua hàng online nhiều năm, tôi khẳng định những bình luận đó chỉ để mồi chài khách. Nếu khách đặt mua, họ có thể chỉ nhận mỗi hộp giấy đóng hàng không chừng" - ông Phương nói.
Ông Hữu Thắng (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) phản ánh hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều shop "mượn" hình của các sản phẩm chính hãng, sao chép lại mô tả và đăng bán giá 1.000 đồng, như đồng hồ thương hiệu DW, Dizizid (giá thị trường từ 700.000 - 800.000 đồng trở lên), loa bluetooth Bombox 100W loại cực đại thương hiệu JBL (giá thị trường khoảng 10 triệu đồng trở lên)...
Theo ông Phương và ông Thắng, mục đích của những cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử khi lấy hình ảnh và mô tả của sản phẩm chính hãng bán với giá tượng trưng 1.000 đồng không phải để kinh doanh mà là để thu hút lượng người truy cập vào gian hàng.
Nếu có người tò mò đặt mua, đồng nghĩa là họ sẽ có lượt bán. Sau đó, họ sẽ xây dựng gian hàng này để bán các sản phẩm khác. Nhưng chung quy, đó là hành vi lừa dối người mua và họ có thể gặp rủi ro khi nhận đơn hàng từ gian hàng bán giá "ảo".
Trước sự xuất hiện của gian hàng 1.000 đồng nêu trên, đại diện Shopee Việt Nam cho biết đã tiến hành gỡ bỏ đăng bán và xóa tài khoản người bán ra khỏi sàn.
Để bảo vệ người dùng mua sắm an toàn trên nền tảng, Shopee thường xuyên rà soát và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các nhà bán hàng đang kinh doanh trên nền tảng. Ngoài ra, sàn sẽ tiến hành xử lý (khóa tài khoản, ngừng hợp tác) ngay khi phát hiện nhà bán hàng có các dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh đó, Shopee cũng triển khai loạt chính sách, tính năng và chương trình bảo vệ người tiêu dùng như: Shopee Mall, Shop Yêu Thích/ Shop Yêu Thích+, Shopee Đảm Bảo...
"Khi phát hiện các trường hợp vi phạm, người dùng có thể liên hệ với chúng tôi thông qua hệ thống "Tố cáo sản phẩm" hoặc "Tố cáo người dùng" tại mục "Menu" ở góc phải của bất kỳ danh sách sản phẩm. Shopee sẽ tiếp nhận các báo cáo và kiểm tra kỹ lưỡng các dấu hiệu vi phạm" - đại diện Shopee nhấn mạnh.
Tương tự, đại diện Lazada cho hay ngay khi nhận thấy các dấu hiệu vi phạm, sàn sẽ lập tức rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm theo chính sách bảo đảm giá trên nền tảng trong thời gian sớm nhất.
"Để bảo vệ quyền lợi tối ưu, người dùng và các đối tác cần lưu ý kỹ về nguồn gốc, xuất xứ của nhà bán hàng và sản phẩm; giá cả sản phẩm, xem nhận xét/đánh giá từ những người mua hàng trước; liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các vấn đề liên quan, theo dõi tình trạng đơn hàng trên ứng dụng, email và SMS."- đại diện Lazada khuyến nghị
Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm trên nền tảng hoặc cần được trợ giúp, người dùng có thể liên hệ với Lazada thông qua mục Chat với Lazada hoặc gọi vào số hotline 1900 6509.
Bình luận (0)