xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giãn kê đơn thuốc để người bệnh bớt khổ

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Kéo dài thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính đã ổn định thay vì chỉ một tháng như hiện nay để người bệnh bớt vất vả mỗi lần tái khám

Mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường gần 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Hằng (76 tuổi; ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phải thường xuyên đến bệnh viện tái khám để được bác sĩ kê đơn thuốc. Do điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ nên tình trạng bệnh của bà khá ổn định và hơn 1 năm nay không phải thay đổi thuốc.

Đề xuất ít nhất 2 tháng/lần

"Mỗi lần đến bệnh viện phải dậy sớm để xếp hàng, lấy máu xét nghiệm, đo huyết áp… Lần nào đi khám cũng tới trưa muộn mới xong. Mùa đông thì đỡ nhưng mùa hè nắng nóng thì rất mệt mỏi. Có tháng ngại đi, tôi mang đơn của bác sĩ ra hiệu thuốc để tự mua uống" - bà Hằng chia sẻ.

Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, các bệnh viện đa khoa đều có rất đông bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đến khám và lĩnh thuốc theo định kỳ. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn (TP Hà Nội) ngày nào cũng có rất đông người chờ khám, chờ lấy thuốc theo chế độ BHYT, phần lớn đều là người cao tuổi. Bà Nguyễn Thị Minh (65 tuổi) cho biết nhà cách bệnh viện gần 10 km, phải đi 2 tuyến xe buýt nên lần nào đến hẹn tái khám, bà cũng phải dậy từ sớm để 6 giờ có mặt tại bệnh viện. "Tâm lý chung là ai cũng muốn đến bệnh viện sớm để khám bệnh, xét nghiệm, chụp chiếu và lấy thuốc nên đi sớm nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh phải xếp hàng chờ đợi, rất mệt mỏi" - bà Minh rầu rĩ.

Giãn kê đơn thuốc để người bệnh bớt khổ- Ảnh 1.

Nhiều người cho rằng việc tăng thời gian tái khám lên ít nhất 2 tháng là phù hợp

Mới đây, BHXH Việt Nam đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính đã ổn định lên tối thiểu 2 - 3 tháng, thay vì 1 tháng như hiện nay. Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định sức khỏe, bệnh nhân HIV đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên, sức khỏe ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với trường hợp bệnh nhân điều trị mạn tính tại tuyến y tế cơ sở thì cơ sở y tế cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày.

Nhiều ý kiến cho rằng việc nâng thời gian kê đơn thuốc tối thiểu lên 60 ngày cũng đồng nghĩa là bệnh nhân và người nhà sẽ đỡ vất vả, bớt nhọc nhằn hơn trong mỗi lần đi lại để tái khám và nhận thuốc BHYT, nhất là những người bệnh ở tỉnh lẻ hoặc các huyện xa trung tâm.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đề xuất nêu trên dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có sự tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng kê đơn thuốc thời gian 60 ngày. Ở nước ta, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày đã được kê đơn với số lượng thuốc sử dụng tối thiểu 2 tháng, tối đa 3 tháng.

Cân nhắc chọn lựa

Theo quy định hiện hành, bệnh mạn tính bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp, hen suyễn... là bệnh tiến triển kéo dài, thời gian bệnh từ 3 tháng trở lên và không chữa khỏi. Do đó, người bệnh cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Tại Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cơ sở y tế chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Số lượng thuốc được kê đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, người bệnh cần tái khám hằng tháng để nhận thuốc kê đơn.

Từ thực tế điều trị, một số bác sĩ cho rằng mọi quy định đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cho người bệnh. Với một số bệnh mạn tính phổ biến như đái tháo đường, huyết áp cao…, hiện có nhiều công cụ, phương tiện để bệnh nhân theo dõi tình trạng bệnh ngay tại nhà. Do đó, việc kéo dài thời gian sử dụng thuốc với bệnh mạn tính sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải không cần thiết ở nhiều cơ sở y tế, giảm chi phí không cần thiết cho cả bệnh nhân và quỹ BHYT.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, khuyến cáo tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định việc hẹn tái khám. Tuy nhiên, với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định thì thời gian hẹn tái khám và cấp thuốc BHYT có thể dài hơn.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết thực tế trong đợt dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu cấp thuốc cho người bệnh từ 60 đến 90 ngày và khuyến cáo khi phát hiện các triệu chứng bất thường thì người bệnh phải đi khám lại trước lịch hẹn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ý nghĩa mỗi kỳ tái khám đối với bệnh nhân là được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh có ổn định hay không, nếu có biến cố hay biến chứng thì bác sĩ sẽ kịp thời phát hiện, cho chỉ định làm thêm các xét nghiệm và tư vấn cách dùng thuốc. BHXH tăng thời gian tái khám lên 60 ngày đồng nghĩa bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân 60 ngày, tối đa là 90 ngày.

Việc kéo dài thời gian kê đơn sẽ dẫn tới một số khả năng xảy ra. Đơn thuốc BHYT kê có thể có một số loại có tác dụng phụ, bệnh nhân dùng không hợp, quay lại muốn thay đổi loại thuốc khác thì số thuốc này sẽ không thể nhập lại kho, gây lãng phí. Ngoài ra, với những người bệnh có biến chứng nặng, có nhiều bệnh lý nền kèm theo thì việc tái khám sau 60 ngày là khá dài để bác sĩ có thể quản lý được bệnh hoặc phòng tránh những bệnh lý cấp tính. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo