VN-Index đóng cửa phiên giao dịch 5-12 ở mức cao nhất trong ngày, tại 1.267,53 điểm, tăng tới 27,12 điểm (+2,19%) so với phiên trước. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số chứng khoán trong vòng hơn 3 tháng qua, kể từ ngày 16-8. Mức tăng 2,19% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh nhất châu Á trong phiên 5-12.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 4,98 điểm, lên 229,6 điểm. Trong khi đó, Upcom Index cũng tăng lên 92,72 điểm.
Giao dịch sôi động trong phiên chiều đẩy thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE lên trên 19.000 tỉ đồng - cao nhất trong nhiều phiên gần đây. Bên cạnh đó, cú bứt phá ngoạn mục của thị trường còn có dấu ấn khá rõ rệt của khối ngoại khi quay trở lại mua ròng hơn 700 tỉ đồng trên HoSE.
Cổ phiếu ở các nhóm ngành đồng loạt đi lên. Trong đó, bứt phá nhất là cổ phiếu các nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, khi rất nhiều mã tăng kịch trần và giao dịch bùng nổ.
Diễn biến tăng mạnh vào phiên chiều và đóng cửa cuối phiên ở mức cao nhất của VN-Index gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư. Bởi trước đó, thị trường chứng khoán đã có nhiều tháng giao dịch ảm đạm, thanh khoản xuống thấp kỷ lục khiến nhà đầu tư chán nản, rời bỏ thị trường.
Trên các hội, nhóm đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư lại rôm rả trao đổi về cổ phiếu tiềm năng. Trong đó, một số ý kiến kỳ vọng nhóm cổ phiếu bất động sản sớm trở lại "đường đua" sau nhiều tháng tích lũy.
Giới phân tích cho rằng việc khối ngoại ngưng bán ròng và quay trở lại mua ròng trong phiên 5-12 đã tạo tâm lý lạc quan hơn cho nhà đầu tư. Công ty Chứng khoán VPS nhận định phiên giao dịch này có thể xem là "bùng nổ theo đà" khi tăng điểm cao nhất, đi kèm với khối lượng giao dịch tăng vọt.
Theo ông Đinh Minh Trí, Trưởng Phòng Phân tích Khối Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đã rất lâu, thị trường chứng khoán mới ghi nhận một phiên bùng nổ như vậy. Ông cho rằng thị trường diễn biến tích cực do thông tin đại diện FTSE Russell đã có mặt tại Việt Nam, gặp một số đơn vị lưu ký và môi giới cùng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để bàn về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tin này là chất xúc tác cho thị trường, nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán, vì đây là ngành được hưởng lợi rõ nhất. Nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng, giá trị giao dịch thường sẽ tăng gấp 2-3 lần.
"Có thể coi phiên 5-12 là "bùng nổ theo đà" cả về điểm số, thanh khoản lẫn sự tích cực của các nhà đầu tư, tạo tiền đề cho thị trường trở lại xu hướng tăng lên mốc cao hơn" - ông Trí nhận xét.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Thành Công, nhận định thông tin FTSE Russell thảo luận về việc thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng trong tháng 3-2025 chính là tín hiệu tích cực, giúp gỡ bỏ tâm lý chán nản của nhà đầu tư. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng và được chấp nhận sẽ thúc đẩy dòng tiền của khối ngoại trở lại.
Thực tế, khối ngoại đã bớt đà bán ròng và mua ròng trở lại một vài phiên vừa qua. Cộng thêm tỉ giá USD/VNĐ hạ nhiệt, điều này có thể góp phần giảm áp lực bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa rõ xu hướng tăng
Sau phiên "bùng nổ theo đà", để thị trường xác nhận xu hướng tăng rõ ràng, nhà đầu tư cần quan sát thêm. Thanh khoản của thị trường cần duy trì ở mức cao, khoảng 700 triệu cổ phiếu/phiên trở lên. "Nếu chứng khoán Việt Nam được chính thức nâng hạng vào tháng 9-2025, thường sẽ có một sóng tăng khoảng nửa năm trước đó, rơi vào giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 6 năm sau" - ông Đinh Minh Trí dự báo.
Do đó, những nhà đầu tư nào mua được cổ phiếu quanh ngưỡng 1.200 điểm và nắm giữ từ tháng 11-2024 đến tháng 4 năm sau nhiều khả năng sẽ được chốt lời giá cao.
Bình luận (0)