Cô Đào Thị Nga, giáo viên môn Vật lý trường THCS Trung Giã, rơi nước mắt, khi nói rằng nhiều đồng nghiệp của cô đang phải dối diện với khó khăn nhất trong sự nghiệp - Ảnh: Văn Duẩn
Trả lời báo chí về liên quan đến vụ việc 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, khẳng định địa phương này tuân thủ ý kiến chỉ đạo của thành phố và căn cứ vào Nghị định 161/2018/NĐ-CP để triển khai việc tổ chức thi tuyển viên chức tới đây.
Và theo ông Mạnh, với quy định tại Nghị định 161 nêu trên, không có nội dung hướng dẫn áp dụng đối tượng được ưu tiên xét đặc cách tuyển dụng là giáo viên hợp đồng, dù họ đã công tác, đã cống hiến bao nhiêu năm đi chăng nữa. Do đó, 256 giáo viên hợp đồng không đăng ký thi, hoặc thi trượt, sẽ buộc phải chấm dứt hợp đồng.
"Quá bất công khi họ vắt chanh bỏ vỏ"
Sau giờ lên lớp, những người thầy, người cô tất tả đến quán cà phê ở gần UBND xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn như đã hẹn với phóng viên. Họ ngồi đó, những gương mặt mệt mỏi, não nề và phẫn uất. Những giọt nước mắt đã rơi, chảy tràn trên khóe mắt, khi cay đắng kể về những gì họ đang phải đối mặt cũng như sắp xảy ra với 256 giáo viên dạy tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Các giáo viên tại huyện Sóc Sơn trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những bức xúc
Các giáo viên nêu hàng loạt câu hỏi và đề nghị lãnh đạo huyện Sóc Sơn và lãnh đạo TP Hà Nội, giải đáp: "Vì sao UBND huyện Sóc Sơn bỏ quên chúng tôi suốt 6 năm Nghị định 29 có hiệu lực?" "Vì sao lãnh đạo huyện Sóc Sơn nói đã xin ý kiến với lãnh đạo thành phố về vấn đề này 2 lần mà không nhận được câu trả lời? Trong khi đó Nghị định 161 vừa có hiệu lực thì họ "nhanh nhảu" thực hiện quyết liệt?"
Cô Đào Thị Nga, giáo viên trường THCS Trung Giã, rơi nước mắt - video: Văn Duẩn
26 năm làm giáo viên ngữ văn ở Trường THCS Minh Phú, cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt (51 tuổi) vẫn đang mang thân phận là giáo viên "hợp đồng huyện". Quê ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), năm 1992, tốt nghiệp Đại học Sư phạm 2, khoa Ngữ văn, hệ chính quy, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, cô Nguyệt đã đến với huyện Sóc Sơn, đem tri thức, sức trẻ và tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Trong 26 năm công tác, từng là tổ trưởng chuyên môn; gần chục năm liên tiếp đạt danh hiệu lao động giỏi cấp huyện và chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 7 năm liên tục có sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố nhưng cô Nguyệt chưa một lần được thi viên chức.
Nữ giáo viên cho biết kỳ thi viên chức, có thể là tin vui với các sinh viên vừa mới ra trường nhưng nó lại là một "thảm kịch" với những nhà giáo lớn tuổi. "Nhìn bề ngoài có vẻ khách quan nhưng thực chất là quá bất công". Bà cho biết ngày trước học THPT, không được học ngoại ngữ, lên đại học được đào tạo tiếng Nga – Pháp, không phải tiếng Anh. Bởi vậy, nếu thi cùng với các sinh viên mới tốt nghiệp, sẽ là cuộc thi không cân sức và đánh đố giáo viên lớn tuổi.
Còn cô Đào Thị Nga, giáo viên môn vật Lý trường THCS Trung Giã, rơi nước mắt, khi nói rằng nhiều đồng nghiệp của chị đang phải dối diện với khó khăn nhất trong sự nghiệp, trước tình cảnh éo le và có phần bất nhẫn. Thực tế, năng lực của họ đã được chứng minh qua kết quả đào tạo học sinh giỏi các cấp và các cuộc thi giáo viên giỏi, sáng kiến kinh nghiệm. Vì vậy, một bài thi 180 phút không thể đánh giá hết được những gì họ đã có và cống hiến.
Cô Đào Thị Nga, giáo viên môn Vật lý trường THCS Trung Giã, không cầm được nước mắt trong buổi trao đổi
"Học trò sẽ nghĩ gì về những thầy, cô đã dạy dỗ các con, các con trưởng thành, thành đạt? Vậy mà bây giờ, chính các thầy, cô không vượt qua nổi một bài thi viên chức. Đó là điều đau xót nhất!"- cô Nga bày tỏ.
Tuy nhiên, điều mà các giáo viên bức xúc nhất, đó là việc vì sao suốt 6 năm Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực thi hành, tại sao huyện Sóc Sơn không xét đặc cách cho những giáo viên hợp đồng khối tiểu học và THCS mà chỉ xét đặc cách cho giáo viên mầm mon?.
"Chính việc làm này đã khiến cho hàng trăm giáo viên đủ tiêu chuẩn về mọi mặt phải vật vã, khổ sở với thân phận giáo viên hợp đồng, để rồi bây giờ đối mặt với nguy cơ phải "mất dạy" dù năng lực, đóng góp của họ không hề thua kém những giáo viên trong biên chế. Chúng tôi bị đối xử quá bất công, bị vắt chanh bỏ vỏ"- thầy Đầu Xuân Đàm, giáo viên môn ngữ văn, trường THCS Trung Giã, buồn rầu nói.
"Không có niềm tin vào sự khách quan của kỳ thi tuyển"
Không ít giáo viên phải thi viên chức đợt này, cho rằng họ không sợ thi mà họ sợ không công bằng và thiếu minh bạch. Thầy Nguyễn Văn Mạnh, có thâm niên 15 năm dạy môn âm nhạc tại trường THCS Nam Sơn, bảo rằng đã trải qua 2 kỳ thi tuyển viên chức nhưng đều bị trượt. Đó là lần đầu tiên, năm 2012 anh thi viên chức với hai môn là viết giáo án và thi dạy, đạt số điểm 9,4/10 cho viết giáo án; đạt 9,5/10 thi dạy nhưng vẫn trượt. Lần thi viên chức thứ hai năm 2015, anh cũng đạt hai điểm 9 điểm trở lên và vẫn tiếp tục trượt.
Thầy Nguyễn Văn Mạnh khẳng định không còn niềm tin vào kỳ thi viên chức - Video: Văn Duẩn
"Hai lần tham gia dự thi, đều đạt điểm giỏi nhưng vẫn trượt viên chức. Cho nên tôi rất mất niềm tin vào cuộc thi viên chức này. Chúng tôi không biết phải làm thế nào để trúng tuyển"- thầy Nam bày tỏ.
Trong lá đơn kiến nghị gửi đến lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội…, tập thể 256 giáo viên cho biết nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt: Chồng mất, con nhỏ; thậm chí có thầy, cô phải đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo nơi bệnh viện. Và việc thi tuyển không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm, cùng với quy chế thi không có giới hạn về hộ khẩu, khiến cơ hội thi đỗ đối họ là cực kỳ mong manh.
Cô Lê Thị Thu Nguyệt cho biết xét cho cùng, mục đích của kỳ thi tuyển viên chức là sát hạch chọn ra những giáo viên có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn để đảm nhận công việc. Và khoảng thời gian dài phấn đấu với những thành tích đã đạt được chính là những điểm số, là minh chứng khách quan nhất, chân thực nhất, rõ ràng nhất chứng minh năng lực, đạo đức nghề nghiệp trước học sinh, đồng nghiệp cũng như trước ban giáo khảo của cuộc thi. "Vậy, chúng tôi có cần phải trải qua cuộc thi sát hạch vài giờ đồng hồ hay không? Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, tạo cho chúng tôi một cơ chế nhân văn, đó là xét đặc cách cho chúng tôi vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như thí sinh tự do"- các giáo viên kiến nghị.
Nếu cần phải báo cáo Thủ tướng để xem xét
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết những năm 2013-2014, huyện Sóc Sơn đã rà soát và đề xuất xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng bậc mầm non theo Nghị định 29. Tuy nhiên, những giáo viên hợp đồng ở các bậc tiểu học, THCS thì chưa giải quyết được vì thành phố không còn chủ trương.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Người Lao Động về những vấn đề đang xảy ra với 256 giáo viên tiểu học và THCS huyện Sóc Sơn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cần kết hợp nhiều giải pháp, không chỉ ở khâu giáo viên.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội
Theo đó, ông Nhưỡng khẳng định việc tuyển giáo niên nhằm đạt chuẩn không phải ngày một ngày hai và cần phân loại để áp dụng cho bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, vừa bảo đảm đúng đắn, nâng cao chất lượng nhưng không gây xáo trộn chung cũng như ảnh hưởng đời sống giáo viên, nhất là những thầy, cô có nhiều năm giảng dạy, nhiều kinh nghiệm trong giáo dục, đào tạo. Nhiều lứa học sinh của họ đã và đang trưởng thành, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội và nền giáo dục của nước nhà.
"Trên cơ sở phân loại sẽ tổ chức đánh giá công bằng. Những người đủ điều kiện sẽ tiếp tục giảng dạy; đối tượng khác tiếp tục phân loại sử dụng vào công việc phù hợp. Kiên quyết chống tả, hữu khuynh trong thanh lọc giáo viên phổ thông"- ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, cần áp dụng quy định có lợi cho giáo viên về quy định xét đặc cách. "Nếu trước đây trì hoãn thì đối tượng thời điểm đó phải được xem xét. Nếu cần, các cơ quan có liên quan phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình đánh giá, tuyển dụng giáo viên"- đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.
Một vấn đề mà Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan, trên cơ sở xem xét, rút kinh nghiệm các vụ việc này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án, lộ trình phù hợp với điều kiện. "Tránh tình trạng ban hành ra quy định lại bị phản ứng do không bám sát thực tiễn đời sống"- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đề nghị có thể xem đặc cách cho giáo viên hoặc có chính sách ưu tiên
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - ông Vũ Minh Đức, vừa ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Nội vụ và Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị xem xét, hỗ trợ 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn.
Cho rằng việc thực hiện chủ trương và các quy định hiện hành của Chính phủ về thi tuyển viên chức để đảm bảo có đội ngũ giáo viên chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ, chuẩn nghề nghiệp nhất định là việc làm đúng và cần thiết.
Tuy nhiên, cần xem xét trong điều kiện cụ thể. Vì vậy trong văn bản của mình, bên cạnh một số đề xuất, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND TP, giám đốc Sở Nội vụ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội quan tâm, có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt; tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên; là cán bộ công đoàn và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)