Sau khi một nam sinh tại Hà Nội đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH, ngày 1-8, thêm một thí sinh nữa cho biết đã trượt ngôi trường mình yêu thích dù đã đạt tới 29,35 điểm.
Tức tưởi!
Thí sinh V.H.H ở Tân Bình, TP HCM cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm nay, em có điểm thi toán 9,6 ; hóa 9,75 ; sinh 10; tiếng Anh 8,8. Tổ hợp xét tuyển khối B của H. là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng). Thí sinh này đăng ký nguyện vọng lần lượt là ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP HCM, y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, y đa khoa của Khoa Y - ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Theo quy tắc làm tròn, điểm của thí sinh này giảm xuống còn 29,25. Mức điểm này cũng chính là mức điểm tối thiểu trúng tuyển vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP HCM.
Cần xem lại chính sách xét tuyển, tránh trường hợp thí sinh điểm rất cao vẫn không đậu ĐH Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, khi xét tuyển trường còn xét tiêu chí: môn tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên; môn sinh (với ngành y) từ 9,75 điểm. Vì môn tiếng Anh có điểm 8,8, thí sinh nói trên trượt nguyện vọng một. Điều thiệt thòi nhất cho H. chính là điểm gốc của em là 29,35, cao hơn điểm chuẩn nhưng lại bị trượt nguyện vọng 1. H. cho biết với cách làm tròn điểm này em đã mất đi ước mơ trong sự oan ức. Trên thực tế có những thí sinh đạt 29,15 điểm được làm tròn lên 29,25 và có khả năng đỗ nhờ các tiêu chí phụ mà trường đưa ra.
Trước không ít trường hợp đạt điểm rất cao nhưng vẫn trượt ĐH, một giảng viên của Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng Bộ GD-ĐT cần phải xem lại khâu ra đề thi. Với cách ra đề này, nếu xét cả điểm chuẩn lẫn ưu tiên mà có 2.000 thí sinh đăng ký cùng đạt điểm tuyệt đối thì lúc đó tính sao? Chẳng lẽ các trường nhận cả 2.000 thí sinh.
Giảng viên này khẳng định, mức điểm trúng tuyển cao kỷ lục như năm nay chính là kết quả của cách thức thi cử, xét tuyển chứ không phải do năng lực học sinh tăng vượt bậc sau 1 năm.
Xem lại chính sách ưu tiên
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng theo thống kê thì phần lớn điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo của các trường ĐH năm nay đều nằm trong khoảng từ 18-26 điểm. Chỉ một số ngành thuộc các trường thuộc khối công an, quân đội và ngành y đa khoa của một số trường ĐH danh tiếng có điểm trúng tuyển từ 29 điểm trở lên. Khá nhiều ngành điểm trúng tuyển bằng với "điểm sàn".
Phản hồi trước những ý kiến cho rằng việc làm tròn điểm không bảo đảm công bằng cho thí sinh, khiến nhiều thí sinh từ đỗ thành trượt, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết theo quy chế tuyển sinh, trong những trường hợp bằng điểm ở cuối danh sách, trường có quyền căn cứ vào kinh nghiệm tuyển sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để lựa chọn cho phù hợp.
Về những ý kiến cho rằng quy chế ưu tiên đang khiến thí sinh tại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM thiệt thòi vì nếu không được tuyển thẳng thì sẽ rất khó để trúng tuyển vào những ngành như y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội hay Trường ĐH Y Dược TP HCM, bà Phụng cho hay quan niệm bất công hay công bằng cần được đánh giá tổng thể. Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các TP, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để bảo đảm công bằng xã hội, xét trên diện rộng.
"Tiêu chí phụ là phù hợp"
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, việc các trường lựa chọn các tiêu chí phụ là phù hợp vì điểm thi là căn cứ xét tuyển nhưng với mức điểm thi gần như tương đương nhau thì còn có thể căn cứ vào nhiều yếu tố khác (điểm quá trình học, lĩnh vực năng lực sở trường, nguyện vọng; tư duy lập luận, phản biện; khả năng phản ứng…) thì mới bảo đảm công bằng trong đánh giá năng lực theo yêu cầu của ngành đào tạo. Bà Phụng chia sẻ nếu ai đã từng hoặc gia đình nào có con em đi du học Mỹ, Anh... thì thấy rất rõ điểm thi chỉ là một trong nhiều tiêu chí để tuyển sinh.
Bình luận (0)