Chen lấn mua hồ sơ vào Trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội
Đại trà trộn lẫn thực nghiệm
Lời khen dành cho phương pháp giáo dục của trường thực nghiệm rất nhiều nhưng lời chê cũng không hiếm. Trước nhiều thông tin trái chiều về cái được và chưa được đối với chương trình giáo dục của trường thực nghiệm, với tư cách là “người trong cuộc”, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Thực nghiệm, cho rằng sức hấp dẫn của trường thực nghiệm đến từ việc nhà trường cố gắng duy trì môi trường sư phạm tốt, không chạy theo thành tích, không có sự so sánh lớp tốt. “Trường thực hiện đúng chương trình giáo dục, không gây áp lực nặng nề cho học sinh. Chúng tôi duy trì các tiết học một cách phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh. Trong tất cả các hoạt động đó, học sinh được chủ động và chia sẻ với nhau, với thầy cô” - bà Mai Hương cho biết. Bà Hương nói thêm chính từ cách thức này, học sinh thực nghiệm ra trường thường được nhận xét có khả năng chủ động nêu ý kiến của mình.
Về quan điểm cho rằng việc thầy cô quá dễ dãi và không uốn nắn học sinh là nhược điểm của chương trình thực nghiệm, bà Hương cho rằng tiêu chí của trường là xây dựng sự tôn trọng cá nhân. Học sinh được tự do phát biểu ý kiến của mình. “Nếu chưa tốt thì lần sau cố gắng và sẽ không có sự so sánh. Chúng tôi muốn các em thể hiện đúng con người của mình” - bà Hương nhấn mạnh. Cũng theo bà Hương, trường có hai nhiệm vụ song song, đó là vừa giáo dục vừa thực hiện nghiên cứu khoa học. Chính vì điều này mà thời gian gần đây, trường chuyển sang dạy theo chương trình đại trà của Bộ GD-ĐT, chỉ một nhóm lớp học sinh được tiếp tục áp dụng công nghệ giáo dục với mục đích phục vụ việc nghiên cứu của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, khoảng 14 lớp của trường học chương trình thực nghiệm, 13 lớp khác theo chương trình đại trà. Dự kiến năm 2012 tuyển sinh 4 lớp 1 thì sẽ phân 2 lớp đại trà, 2 lớp thực nghiệm.
Sau tiểu học, học chương trình nào?
Trước việc triển khai chương trình tới 30 năm mà vẫn thực nghiệm, PGS Văn Như Cương thẳng thắn cho rằng đã hơn 30 năm mà trường thực nghiệm vẫn cứ “thực nghiệm” là điều kỳ cục! Theo ông, thực nghiệm điều gì đi nữa thì cũng không thể kéo dài vô hạn mà chỉ tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu tốt thì nhân rộng; không tốt, không phù hợp thì bỏ. Ông Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý Trường PTCS Thực nghiệm, cho biết sở dĩ viện chưa đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc nhân rộng mô hình của trường này vì thực nghiệm giáo dục khác với thực nghiệm khác. Việc thực nghiệm phải được tổng kết, đánh giá một cách khoa học chứ không phải chỉ bằng cảm tính vì “dạy người” là vấn đề rất phức tạp. Thực tế, khi chỉ là mô hình của một trường thì sẽ rất khác khi áp dụng đại trà, chỉ có thể tốt nếu điều kiện để thực hiện nó như giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức… phải tương ứng. Ông Kha cũng cho biết thêm trên cơ sở thực nghiệm của viện, Bộ GD-ĐT cũng đã cho phép nhân rộng từng bước mô hình công nghệ giáo dục, trước hết là với môn tiếng Việt lớp 1 và nhiều địa phương cũng đã triển khai mô hình này.
Tuy nhiên, theo PGS Văn Như Cương, dù trường thực nghiệm có chương trình, sách giáo khoa, công nghệ giáo dục tốt thì cũng khó có thể thay thế cho chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT được. Việc thực nghiệm mới chỉ triển khai ở bậc tiểu học, trong khi THCS và THPT thì chưa triển khai. Vì vậy, theo phân tích của PGS Văn Như Cương, nếu toàn quốc dùng chương trình, sách giáo khoa bậc tiểu học của trường thực nghiệm thì đối với hai bậc học tiếp theo sẽ dùng chương trình nào?
TPHCM đánh giá cao chương trình thực nghiệm Chương trình thực nghiệm bậc tiểu học đã được triển khai ở TPHCM nhiều năm. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như phía trường tiểu học đã thực hiện chương trình này đều đánh giá chương trình thực nghiệm có nhiều ưu điểm. Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cho biết trường dạy chương trình thực nghiệm từ năm 1990 đến năm 2005 mới hoàn toàn chấm dứt. Nhận xét về chương trình thực nghiệm, bà Hạnh cho biết chương trình thực nghiệm có nhiều ưu điểm hơn so với chương trình cải cách cùng dạy song song thời điểm đó. Còn so với chương trình thống nhất hiện nay, môn tiếng Việt chương trình thực nghiệm vẫn tốt hơn. “Với môn tiếng Việt lớp 1, phải khẳng định rằng nếu dạy theo chương trình thực nghiệm, học sinh không viết sai lỗi chính tả. Môn văn lớp 3, 4, 5, học sinh phải tư duy và khuyến khích các em nói lên suy nghĩ của mình. Để dạy chương trình thực nghiệm, giáo viên phải nâng cao trình độ hơn” - bà Hạnh khẳng định. Cũng theo bà Hạnh, môn toán của chương trình thực nghiệm nâng trình độ, kiến thức và học sinh biết tư duy hơn. Chương trình thống nhất hiện nay có kế thừa chương trình thực nghiệm. Bà Hạnh cho biết nếu được phép quay lại dạy chương trình thực nghiệm thì trường sẽ thực hiện ngay. Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3 - TPHCM) từng dạy chương trình thực nghiệm từ năm 1990 - 2005. Ảnh: Tấn Thạnh Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD-ĐT TPHCM, cũng cho biết chương trình thực nghiệm có nhiều ưu điểm. “Môn tiếng Việt lớp 1 logic, học sinh tư duy tốt và đặc biệt chắc chắn học sinh không viết sai lỗi chính tả. Chương trình thực nghiệm rất hiệu quả nhưng tiếc là Luật Giáo dục quy định dạy thống nhất một chương trình như hiện nay” - ông Điệp nói. Nhưng ông Điệp cũng như bà Hạnh đều cho rằng sự cố đông đảo phụ huynh xô đổ cổng Trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 trường này không hoàn toàn vì chương trình dạy học ở đây mà phần lớn do ở đây có không gian giáo dục rộng rãi, có sân chơi, nơi tập luyện và môi trường sư phạm tốt. Ngoài ra, trường này thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nên không chịu áp lực về thi đua, giáo viên không bị áp lực mạnh nên có điều kiện quan tâm hơn đến học sinh. Đối với các trường tiểu học khác, quy định tỉ lệ giáo viên trên lớp là 1,5 nhưng ở trường này tỉ lệ đó là 1,9; do vậy mỗi giáo viên có thể đảm nhận một môn học chứ không phải một giáo viên dạy cùng lúc nhiều môn. Tất cả những yếu tố đó khiến cho trường thực nghiệm là ngôi trường mơ ước của nhiều phụ huynh học sinh. Huy Lân |
Bình luận (0)