Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết bộ đang đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỉ đồng ngân sách mua sách giáo khoa (SGK) đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh; các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Khảo sát nhu cầu, tránh lãng phí
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD-ĐT đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra 3 phương án: Trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, mua sách cho 70% nhu cầu và chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi phân tích, tính toán, bộ đã lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Nếu được phê duyệt, phương án này sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024.
Tuy nhiên, phương án này đang vấp phải nhiều ý kiến từ chính những người trong cuộc - giáo viên, hiệu trưởng các trường học. Khi được hỏi, phần lớn hiệu trưởng cho rằng Bộ GD-ĐT chưa tính toán sát thực tế, việc trích ngân sách nhà nước 3.500 tỉ đồng mua SGK là số tiền quá lớn.
Triển lãm sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Liên cấp Marie Curie (TP Hà Nội), Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các địa phương khảo sát một cách nghiêm túc trước khi thực hiện để tránh lãng phí. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cũng đồng tình rằng việc mua SGK cho học sinh mượn là rất nhân văn nhưng phải có khảo sát, tính toán dựa trên nhu cầu thực tế. Phương án mua SGK cho học sinh mượn chỉ nên áp dụng với một số đối tượng.
Không nên trang bị SGK theo kiểu cào bằng
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, TP Hà Nội), nhận xét những nơi như thành phố, trường học thuận lợi, việc nhà nước mua SGK cho học sinh mượn là không cần thiết. Theo bà, thư viện nhà trường không thể có chỗ chứa cùng lúc 3.000 - 4.000 bộ sách.
Liên quan vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng phương án dùng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn sử dụng nhiều lần cần được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách chuẩn xác. Khi xây dựng chính sách, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng phải được nghiên cứu kỹ.
"Những gia đình có điều kiện sẵn sàng bỏ tiền mua bộ sách mới cho con mình nhưng với gia đình thu nhập thấp thì một bộ sách mới cũng là cả một vấn đề. Vì thế, nên có các giải pháp khác nhau phù hợp với khả năng đa dạng của người dân để ngân sách nhà nước được sử dụng đúng chỗ. Bộ GD-ĐT cũng nên tham khảo kinh nghiệm sử dụng SGK tại các nước tiên tiến khi triển khai chương trình này" - ông Vinh đề xuất.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Hà Nội), Bộ GD-ĐT cần có những khảo sát cụ thể về số lượng học sinh có nhu cầu đăng ký mượn SGK trong trường. Cùng một địa phương, một trường hay ngay trong một lớp cũng có những gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau. Ở thành phố, nhiều gia đình có điều kiện nhưng cũng không ít gia đình khó khăn, học sinh có nhu cầu mượn SGK. Ngược lại, ở những nơi khó khăn, nhiều gia đình kinh tế tốt cũng không muốn con em mình phải dùng sách cũ.
Như vậy, nếu trang bị SGK trong thư viện theo kiểu cào bằng mà không dựa trên thực tế sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí ngân sách, nơi thừa, nơi thiếu. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, rất cần tính toán cẩn thận.
Vì sao SGK mới giá cao?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhìn nhận hạn chế của SGK mới chính là giá. Thực tế cho thấy các yếu tố cấu thành giá SGK mới còn cao hơn so với các yếu tố cấu thành giá SGK cũ.
Lý giải về việc SGK mới giá cao hơn SGK cũ, ông Ngô Trần Ái, Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, bộ SGK mới do các NXB, doanh nghiệp tự bỏ vốn hoặc vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu - từ tổ chức biên soạn, mua vật liệu đầu vào đến trả tiền nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên - và không được ngân sách nhà nước chi trả cho một số khâu như trước đây. Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí quảng cáo, tập huấn giáo viên... đều cao hơn trước. Thứ ba, SGK mới có khổ giấy lớn hơn 1,3 lần so với sách cũ, được in 4 màu, chất lượng in tốt hơn. So với các loại sách khác trên thị trường thì SGK vẫn có giá thành thấp hơn. Thêm vào đó, theo cơ chế mới hiện nay, nhiều NXB, đơn vị cùng tham gia biên soạn, xuất bản, phát hành SGK nên thị trường cũng bị thu hẹp, sản lượng mỗi đầu sách giảm đi so với thời kỳ chỉ có một bộ sách của một NXB, điều này làm chi phí tăng lên.
Trước việc SGK sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, ông Ngô Trần Ái cho rằng việc định giá SGK là một sự thay đổi lớn về chính sách, rất cần cân nhắc. Theo ông, SGK không thuộc loại "hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất - kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước" như quy định tại điều 19 Luật Giá. Việc thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Vì vậy, ông Ngô Trần Ái kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để tham mưu với Quốc hội quyết định vấn đề quản lý giá SGK sát với thực tế.
Bình luận (0)