Năm nay, ngành y học có 45 ứng viên được hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS. Trong đó có 40 ứng viên được hội đồng GS ngành thông qua, gồm 9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS.
Phải đánh giá độc lập
Ở ngành dược, có 11 ứng viên được hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS nhưng chỉ có 10 ứng viên được hội đồng GS ngành thông qua, trong đó có 2 ứng viên GS, 8 ứng viên PGS.
Tuy nhiên, có tới 36/50 ứng viên GS, PGS ngành y, dược bị nghi ngờ gian dối, trong đó riêng ngành y là 30/40 ứng viên, vì liên quan đến việc các bài báo đăng trên tập san mở OA mà GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã nêu. PGS-TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, cho hay hiện hội đồng GS ngành y, dược đang rà soát và sẽ có báo cáo giải trình về vấn đề này.
GS-TS Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, khai mạc phiên họp lần thứ II của hội đồng Ảnh: TƯ LIỆU
"Đây là vấn đề khó, vì chẳng những đòi hỏi tính độc lập mà còn phải có kỹ năng đánh giá các tập san khoa học" - GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Úc), nói. Ông cũng cho rằng cần có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm cao về công bố khoa học.
Không phải gian lận?
GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết ông đã cảnh báo về "kỹ nghệ" xuất bản bài báo khoa học "dỏm" cách đây 5 năm nhưng không được quan tâm.
Trong đợt xét duyệt chức danh năm 2019, GS Nguyễn Văn Tuấn đã thấy có một số trường hợp ứng viên GS, PGS có bài báo công bố trên những tập san phi chính thống, có thể nói là "dỏm".
"Khi ấy, tôi đã nghĩ Hội đồng GS ngành y sẽ phát hiện để chấn chỉnh nhưng không phải vậy" - GS Tuấn cho hay và nhấn mạnh rằng các ứng viên GS, PGS đã kê khai đầy đủ các bài báo được công bố, vì thế không phải họ gian dối. Vấn đề của các ứng viên này nằm ở chỗ họ công bố công trình nghiên cứu khoa học trên một số tập san "ngoài luồng" hoặc phi chính thống, nghĩa là vi phạm quy ước về đạo đức công bố, chứ không phải gian lận.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, ông đã nghiên cứu danh sách tập san mà các ứng viên công bố bài báo và tất cả tập san này đều có thể xem là phi chính thống hay gần như phi chính thống (hiểu theo nghĩa không thuộc hiệp hội y khoa nào) hay ít người trong chuyên ngành biết.
"Bất cứ ai có kinh nghiệm gian nan trong nghiên cứu và công bố khoa học chỉ cần nhìn qua vài bài báo tiêu biểu ở các "tập san" trên cũng thấy... kỳ kỳ. Những đặc điểm chính có thể rút ra từ những tập san này là tên tập san rất chung chung, như: Journal of Medical Sciences, Genetics and Molecular Research, Biomedical Journal of Scientific and Technical Research, Journal of Clinical and Diagnostic Research... Trong khi đó, ban biên tập thì có tổng biên tập là bác sĩ phẫu thuật, chưa bao giờ công bố một bài nào trên tập san chính thống, có tổng biên tập chưa bao giờ công bố trên tập san mà ông làm sếp. Còn ban biên tập có khi chỉ là... postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ-NV)!
Giao diện internet của các tập san này rất đơn giản, như một website cá nhân chứ không giống một tập san khoa học. Tiếng Anh thì rất kém, có khi viết sai. Ví dụ, có tập san viết "Impact Factor An Index" thì không ai hiểu nổi có ý nghĩa gì. Bài báo thì vô cùng đa dạng. Có khi tập san có tên là dược khoa nhưng cũng công bố bài về chất lượng cuộc sống. Bài báo đa số là đơn giản, có khá nhiều bài chỉ... 3 trang và thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố có khi chỉ trên dưới 10 ngày" - GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Theo Quyết định 37 của Thủ tướng về tiêu chuẩn, xét duyệt chức danh GS, PGS thì chưa có quy định cụ thể, định nghĩa về các tập san có uy tín và không có uy tín. Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học dùng cách phân loại tập san của Scopus theo 4 nhóm Q1, Q2, Q3, Q4. Tuy nhiên, GS Tuấn cho rằng không phải những tập san thuộc nhóm "Q" thì có uy tín vì cách phân loại này là của một tập đoàn thương mại và lợi nhuận được ưu tiên hơn khoa học. Ngoài ra, không ít tập san trong nhóm Q3 và Q4 có thể xem là "dỏm" và không được cộng đồng khoa học công nhận.
Chính vì thế, GS Tuấn đề nghị Hội đồng GS Nhà nước chỉ nên chấp nhận các tập san chính thống do các hiệp hội khoa học làm chủ quản, xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press... Nếu không do hiệp hội khoa học chủ quản thì do các nhà xuất bản dưới sự quản lý học thuật của các nhà khoa học có uy tín cao trên trường quốc tế, còn các tập san không thuộc đối tượng trên đều sẽ loại bỏ.
Không khách quan
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 28-10, GS Nguyễn Ngọc Châu cho hay việc Hội đồng GS Nhà nước giao hội đồng GS ngành kiểm tra, rà soát các thông tin ông đã thẩm định và gửi Hội đồng GS Nhà nước là một việc làm cầu thị và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng việc để hội đồng GS ngành xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua là không khách quan.
Bình luận (0)