Theo báo cáo trên, ngày 29-10, hai hội đồng họp, trao đổi với GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các bên đi đến thống nhất: Tiêu chuẩn bài báo quốc tế uy tín phải nằm trong tạp chí có trong danh mục của Hội đồng GS Nhà nước và trong Nghị quyết của Hội đồng GS ngành y năm 2020, gồm: WoS (ISI), Scopus, Pubmed và ESCI (theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), cũng như một số tạp chí đã được quy định trong Nghị quyết của Hội đồng GS ngành y năm 2020. Việc xác định bài báo quốc tế uy tín được căn cứ theo năm công bố của bài báo, theo Quyết định 18/QĐ-HĐGSNN ngày 30-6-2020 của Hội đồng GS Nhà nước.
Liên quan đến các ứng viên GS, PGS ngành y đăng bài trên các tạp chí quốc tế về dược học, cả ba bên đều thống nhất khoa học sức khỏe là rất rộng, giao thoa nhiều chuyên ngành, đồng thời phải tôn trọng lĩnh vực xuất bản của các tạp chí quy định. Chất lượng bài báo do các GS thẩm định và được hội đồng thông qua phải ở mức đạt yêu cầu trở lên thì mới được chấp nhận.
Về việc ứng viên đăng nhiều bài báo trên cùng một số của tạp chí hoặc nhiều bài báo trong thời gian ngắn, các bên nhất trí cho rằng cần có quy định cụ thể của Hội đồng GS Nhà nước cho các năm tiếp theo. Riêng các bài báo liên quan đến hai ứng viên Chu Đình Tới và Võ Quang Trung, các bên thống nhất về nguyên tắc là chỉ bàn và đánh giá đến vấn đề đóng góp khoa học. Các vấn đề khác liên quan đến mua bán bài báo quốc tế sẽ do cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đáng chú ý, liên quan đến 33 ứng viên GS, PGS bị GS Nguyễn Ngọc Châu đề nghị xem xét thẩm định lại, kết quả rà soát cho thấy trong số này, 4 ứng viên có các bài báo đã được chấp nhận trên Tạp chí GMR nhưng đến nay chưa được xuất bản chính thức. Hướng giải quyết là đến khi họp Hội đồng GS Nhà nước mà các bài báo này không được xuất bản chính thức thì sẽ không nằm trong danh sách xét và đưa ra bầu phiếu tín nhiệm tại hội đồng này.
Đối với 29 ứng viên được rà soát về các bài báo quốc tế uy tín dựa trên các nội dung như danh mục tạp chí uy tín, cách tra cứu, thời gian xuất bản và chất lượng bài báo, hai hội đồng và GS Nguyễn Ngọc Châu thống nhất các bài báo phải nằm trong danh mục của Quyết định 37/2018/QĐ-TTg và quy định của Hội đồng GS Nhà nước (Quyết định 18/QĐ-HĐGSNN), gồm: WOS (ISI), Scopus, Pubmed cũng như một số tạp chí quốc tế khác.
Báo cáo cho biết dựa theo các tiêu chí trên thì 26 ứng viên ngành y đủ các điều kiện về các bài báo quốc tế uy tín. 10 ứng viên GS, PGS ngành dược đều đủ điều kiện như quy định nên kết quả không thay đổi. Dù vậy, sau khi rà soát, đã có 4 ứng viên PGS xin rút khỏi ứng viên PGS năm 2020. Đó là 2 ứng viên PGS không đủ phiếu tín nhiệm sau khi hội đồng GS ngành y bầu; 1 ứng viên không đủ bài báo quốc tế uy tín và 1 ứng viên PGS thiếu thâm niên giảng dạy.
"Tổng hợp lại, trong tổng số 33 ứng viên GS, PGS theo phản ánh của GS Nguyễn Ngọc Châu thì có 25 ứng viên GS, PGS đủ tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS để trình lên Hội đồng GS Nhà nước. 4 ứng viên có các bài báo được chấp nhận nếu đến trước ngày Hội đồng GS Nhà nước họp mà có các bài báo đã được xuất bản thì số ứng viên đủ điều kiện đưa vào danh sách để Hội đồng GS Nhà nước xét duyệt là 29 người" - báo cáo của Hội đồng GS ngành y nêu rõ.
Bình luận (0)