Trước đó, số liệu từ Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM cho thấy, trong đợt gọi thanh niên nhập ngũ năm 2005 có đến 37% thanh niên (60.926 người) trong độ tuổi nhập ngũ (18-27 tuổi) có trình độ văn hóa từ lớp 1-6, không đạt tiêu chuẩn để gọi nhập ngũ. Trong đó, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh là các huyện dẫn đầu về số thanh niên có trình độ văn hóa thấp.
Sở GD-ĐT: Trình độ học vấn người TP khá cao
Để tìm câu trả lời, ngày 2-12, chúng tôi đã đến Phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TPHCM. Tại đây, ông Hùng Phi Chường, chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên, đã cung cấp số liệu mới nhất: Tính đến tháng 9-2004, dân số có hộ khẩu TPHCM trong độ tuổi 15-35 là 1.564.393 người. Trong đó, số người biết chữ (quy định từ lớp 3 lên đến... tiến sĩ) là 1.538.902 người, chiếm tỉ lệ 98,4%. Nếu căn cứ vào con số này thì trình độ học vấn của người TP là khá cao. Liệu con số này có chính xác? Ông Chường giải thích: Hiện nay tại 317 phường, xã của TP đều có ít nhất 1 giáo viên chuyên trách để lo xóa mù chữ. Việc thống kê tiến hành 2 lần/năm. Lần thứ nhất vào đầu năm học (tháng 9 hằng năm) và lần thứ hai vào cuối năm học (tháng 5 hằng năm). Từ đây, số liệu được chuyển lên ban chỉ đạo xóa mù chữ, phổ cập giáo dục của quận, huyện và sau đó chuyển về Sở GD-ĐT. Ông Chường cũng cho biết, theo quy định hiện nay, cứ 90% dân số tuổi 15-35 của quận, huyện đó đạt xóa mù là địa phương này đạt chuẩn xóa mù chữ.
Con số 98,4% dân số độ tuổi 15-35 đạt trình độ từ lớp 3 đến... tiến sĩ quả là có khoảng cách khá xa so với con số 37% thanh niên độ tuổi
18-27 có trình độ văn hóa từ lớp 1 - lớp 6. Như vậy, câu trả lời vẫn chưa có lời đáp. Nhóm phóng viên giáo dục Báo Người Lao Động quyết định tìm đến 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè, 2 địa phương có tỉ lệ thanh niên không trúng tuyển NVQS cao nhất do trình độ văn hóa thấp.
Xã Tân Nhật - Bình Chánh: Gần 38% thanh niên chưa học xong cấp 2!
Tại Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh - TPHCM, ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng Phòng GD-ĐT, cho biết ở độ tuổi từ 15- 21 trên địa bàn toàn huyện có tất cả là 23.260 người, trong đó chỉ có 19.277 người đã tốt nghiệp THCS, còn lại 3.983 người chưa hoàn thành bậc THCS, chiếm tỉ lệ trên 17%. Đây là kết quả khá lạc quan ở một huyện xa trung tâm TP.
Chúng tôi quyết định tìm đến xã Tân Nhật, nơi cách trung tâm huyện chỉ chừng 5 km, để kiểm tra lại con số này. Tại đây, ông Trần Văn Tư, Chủ tịch UBND xã, cho chúng tôi biết: Xã có 1.019 người ở trong độ tuổi từ 18- 27 thì có tới 381 người chưa hoàn thành phổ cập THCS, chiếm tỉ lệ gần 38%! Trong số những người chưa hoàn thành bậc THCS này, mới có khoảng 5% - 7% người theo học các lớp phổ cập cấp 2 vào buổi tối.
Ông Tư cho biết, nguyên nhân chính khiến nhiều người chưa hoàn tất bậc THCS là xã chưa có trường THCS. Từ nhiều năm nay, học sinh của xã muốn đi học THCS phải đến các Trường THCS Lê Anh Xuân ở xã Lê Anh Xuân; Trường THCS Tân Túc ở thị trấn Tân Túc; Trường THCS Tân Kiên ở xã Tân Kiên. Học sinh phải đi từ 5- 6 km để đến các trường nói trên, thậm chí có người phải vượt trên 10 km để đến trường. Trước năm 2004, việc đi lại ở đây cũng rất vất vả, vào mùa mưa, học sinh không thể đi xe đạp đến trường vì đường quá lầy lội.
Xã Phước Lộc - Nhà Bè: 28,2% thanh niên chưa xong phổ cập THCS
Tại huyện Nhà Bè, ông Phùng Quang Nhân, phụ trách công tác phổ cập giáo dục Phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè, phấn khởi cho biết: “Tỉ lệ phổ cập giáo dục các cấp của huyện đều đạt chỉ tiêu quốc gia. Tuy nhiên, tỉ lệ đó chưa cao so với quy định của Bộ GD-ĐT”. Ông giải thích thêm, tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập ở các xã là không đồng đều, thậm chí khá chênh lệch nhưng nếu lấy bình quân toàn huyện thì lại đạt chỉ tiêu.
Những con số do ông Nhân cung cấp cho thấy toàn huyện có 26.425/28.114 người ở độ tuổi từ 15-35 đã được xóa mù chữ, đạt tỉ lệ 96,35%. Ở độ tuổi 11, có 1.194/1.387 em hoàn thành phổ cập tiểu học, đạt tỉ lệ 86,08%; độ tuổi từ 15-18, có 4.264/5.087 em phổ cập THCS, đạt tỉ lệ 83,82%; độ tuổi từ 18-21, có 2.741/5.236 người hoàn thành phổ cập THPT, đạt tỉ lệ 52,35%. Như vậy, nếu theo chỉ tiêu toàn huyện thì việc phổ cập giáo dục các cấp của huyện đã vượt từ 1%-3%. Nhưng thực tế ở một số xã của huyện, tỉ lệ còn thua nhiều so với chỉ tiêu. Bà Nguyễn Thị Diệu Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: Tỉ lệ học sinh chưa hoàn thành phổ cập THCS ở xã còn đến 28,2%, tỉ lệ chưa hoàn thành phổ cập THPT là 67,72%.
Giải thích về tỉ lệ phổ cập giáo dục còn yếu ở một số xã, ông Phùng Quang Nhân cho rằng: “Việc quản lý danh sách độ tuổi còn nhiều sai sót, tính phức tạp của địa bàn, công tác huy động chưa triệt để là ba nguyên nhân chính dẫn đến việc khó vận động học viên đến lớp và duy trì sĩ số lớp học”.
Không mâu thuẫn với kết quả kiểm tra công nhận phổ cập THCS Ngày 2-12, chúng tôi đã liên lạc với thượng tá Trần Văn Hùng, Chỉ huy phó chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM, để hỏi về tiêu chuẩn văn hóa của thanh niên được gọi thi hành NVQS. Ông Hùng cho biết Luật NVQS hiện hành không có quy định cụ thể về vấn đề này nên mỗi nơi vận dụng mỗi khác tùy theo tình hình tại địa phương. Riêng TPHCM, quy định trình độ tối thiểu để gọi thanh niên thi hành NVQS là học hết lớp 8. Cùng ngày, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết đã kiểm tra lại công tác phổ cập THCS tại một số huyện có nhiều thanh niên không đạt tiêu chuẩn về văn hóa trong đợt tuyển NVQS năm 2005 như huyện Bình Chánh. Ông Minh giải thích TPHCM đã được kiểm tra và công nhận hoàn thành công tác phổ cập THCS năm 2002 (đối tượng này có độ tuổi 15 đến 18 theo quy định của Bộ GD-ĐT), mới chỉ cách 2 năm so với thời điểm hiện tại (2004). Trong khi đó, đối tượng thi hành NVQS có độ tuổi nằm trong khoảng 18-27, nên nếu tỉ lệ số thanh niên này chưa học hết cấp 2 còn cao cũng không mâu thuẫn với kết quả kiểm tra công nhận phổ cập THCS nói trên. |
Bình luận (0)