Ngày 4-7, gần 593.000 thí sinh (TS) đã hoàn thành ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga nhận định đề thi không có sai sót, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Các vi phạm quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.
Nghi vấn thi hộ
Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đến kiểm tra công tác coi thi tại hội đồng thi Học viện Ngân hàng (Hà Nội). Học viện có một TS bị khiếm thính cần phải mang theo máy trợ thính vào phòng thi. Hội đồng thi yêu cầu TS này cung cấp giấy chứng nhận của bác sĩ là khiếm thính, mã thiết bị, các thông số cụ thể và viết bản cam kết.
Tại Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội), điểm thi của Học viện An ninh nhân dân, các giám thị đã phát hiện một TS ở Lai Châu sử dụng ảnh từ năm 2010 để dự thi trong khi quy định mới của Bộ Công an là TS phải dùng ảnh mới do công an các quận, huyện chụp khi sơ tuyển. Lập tức, số báo danh của TS được đánh dấu, hồ sơ gốc được rút ra đối chiếu và thanh tra nhà trường vào cuộc dù ảnh của TS giống với ảnh trên chứng minh thư nhân dân.
Lãnh đạo Học viện An ninh cho biết đây có thể là sơ suất của công an tỉnh nhưng trường vẫn phải kiểm tra thật kỹ trường hợp này. Theo lãnh đạo học viện, việc tuyển sinh vào trường không đơn thuần là tuyển sinh mà nếu trúng tuyển thì được vào ngành công an. Vì vậy, có những phụ huynh không ngại bỏ số tiền lớn để con em mình được vào trường nên thường xuất hiện các trường hợp thi hộ. Trong buổi thi toán, các giám thị của Học viện Cảnh sát phát hiện một TS đeo đồng hồ kiểu dáng khá đặc biệt nên đã lập biên bản và tạm giữ trước khi cho vào phòng thi. Theo đại tá Trần Minh Chất, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhà trường, qua kiểm tra cho thấy chiếc đồng hồ này có bộ nhớ lưu trữ dữ liệu trong máy rất lớn, ngoài ra còn có khả năng hiển thị dữ liệu lên màn hình.
Điểm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) có khá nhiều phòng thi ghép (2 trong 1), TS được bố trí ngồi đối lưng. Nhà trường lý giải do năm nay lượng TS đăng ký dự thi tăng nhiều so với năm ngoái nên công tác thuê mướn địa điểm thi gặp khó khăn. Để bảo đảm an ninh, trường đã yêu cầu tăng cường lực lượng an ninh trước điểm thi. Tại hội đồng thi này có một công trình xây dựng đang hoạt động gây tiếng ồn nên ông Hà Hữu Phúc - Trưởng Đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tại TP HCM - đề nghị phải tạm dừng thi công.
Nhiều TS lỡ kỳ thi
Tại điểm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng có một TS đi trễ sau khi đã bóc đề 25 phút nên không được thi. Tại Trường ĐH Công nghệ TP HCM, một TS của Long An đến điểm thi trễ 15 phút do xe hư. TS Nguyễn Anh Dũng (Gia Lai), dự thi vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, trễ giờ thi do xe máy bị thủng lốp, đành phải bỏ lỡ kỳ thi. Cả nước có 7 trường hợp đến trễ phải bỏ lỡ kỳ thi.
Tại Hội đồng thi Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, TS Lê Thị Thùy Trang thi vào Trường ĐH Duy Tân bị ngất xỉu ngay sau khi giám thị bóc đề. Bộ phận y tế đã tiến hành sơ cứu nhưng TS không tỉnh lại nên phải gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Sau khi được cấp cứu, TS Trang quay trở lại phòng thi.
Một điểm thi của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM) tại quận 8 có TS ở phần ghi môn thi đã ghi chữ “không biết” và ở phần nội dung làm bài ghi “giáo sư Lương Văn Can”. TS này sau đó cầm cả đề chạy khỏi phòng thi. Lực lượng bảo vệ đã giữ TS này ở lại, sau đó chuyển cho gia đình.
Thêm thời gian điều chỉnh khu vực ưu tiên
Năm nay, nhiều TS phải chỉnh sửa khu vực ưu tiên nhưng trước ngày thi còn rất nhiều TS chưa được chỉnh sửa vì nhiều lý do. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - thành viên Ban Chỉ đạo thi Quốc gia, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM - cho biết chỉ riêng Trường ĐH Kinh tế - Luật có tới 60 trường hợp TS cần phải điều chỉnh khu vực ưu tiên. Căn cứ để xét ưu tiên là dựa vào nơi học và nơi thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trong thực tế lại vấp phải những vấn đề mà quy chế chưa đề cập. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi TS, ĐHQG TP HCM đã đề nghị Bộ GD-ĐT tăng thêm thời gian để điều chỉnh. Ông Đỗ Quốc Anh, trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết nhiều trường ĐH khác cũng chung đề nghị này. Quan điểm của bộ là ngay cả khi có điểm thi vẫn phải điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi TS.
Bình luận (0)