Ngày 23-2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Ngô Thị Minh cho biết các tỉnh, thành còn lại căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương để quyết định cho học sinh (HS) đi học trở lại dự kiến vào ngày 1-3.
Đẩy mạnh truyền thông để phụ huynh yên tâm
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh khi cho HS đi học trở lại, các tỉnh, TP, đặc biệt là Hải Dương, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để làm rõ khái niệm vùng có dịch và vùng có nguy cơ để phụ huynh yên tâm cho con quay lại trường học.
Riêng đối với các xã, vùng có nguy cơ cao phải học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn Hải Dương có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT phát huy trách nhiệm của phụ huynh trong việc hướng dẫn con em học trực tuyến tại nhà, đặc biệt hỗ trợ HS cấp tiểu học.
Tại Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng đã có chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường chủ động vệ sinh môi trường, rà soát các điều kiện để sẵn sàng cho HS có thể đi học trở lại.
Trong khi đó, từ ngày 1-3, HS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ trở lại trường học với cơ chế kiểm soát dịch bệnh trong tình hình ở mức độ mới, cao hơn. Riêng đối với thị xã Đông Triều, tùy tình hình có thể cho HS trở lại trường chậm hơn so với các địa phương khác 1 tuần.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh và bám sát chỉ đạo của cấp trên về phòng chống dịch Covid-19 để chỉ đạo các nhà trường. Cùng với đó, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh như điều chỉnh khung kế hoạch giáo dục thời gian năm học 2020-2021 tương ứng với dự kiến diễn biến của tình hình dịch bệnh. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến trong trường hợp HS nghỉ học ở trường. Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với HS từng cấp học. Cách thức tổ chức linh hoạt phù hợp điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục, bảo đảm hiệu quả.
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), các nhà trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, triển khai ngay dạy học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến các nội dung phù hợp, cần tăng cường cho HS cuối cấp. Nội dung nào chưa cần ưu tiên thì để lại thực hiện sau khi HS trở lại trường. Những bài học thực hành, thí nghiệm hoặc để sau khi HS trở lại trường sẽ thực hiện kết hợp với ôn tập hoặc có thể khai thác nguồn video bài học thực hành, thí nghiệm trên mạng để dạy.
Các trường học tại TP HCM thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: TẤN THẠNH
Khai báo y tế khi đi học lại
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, hiện nay nhu cầu cho trẻ đến trường của phụ huynh rất lớn; đặc biệt phụ huynh khối mầm non có nhu cầu gửi trẻ đến trường, các nhóm lớp... nhằm ổn định công việc. Căn cứ tình hình công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay của TP HCM, Sở GD-ĐT nhận thấy việc HS quay trở lại trường từ ngày 1-3 là phù hợp.
Ngày 23-2, trong báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM về công tác chuẩn bị cho HS quay trở lại trường từ ngày 1-3, sở này cho biết từ ngày 29-1, Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như bộ tiêu chí an toàn, các biện pháp đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, dừng tổ chức hoạt động ngoài nhà trường, tăng cường sát trùng...
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của TP HCM, từ ngày 2-2, HS dừng đến trường và chuyển sang học trên internet. Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã ban hành các văn bản yêu cầu trường học cập nhật đối tượng F0, F1, F2 và khai báo y tế khi HS đi học trở lại sau Tết. Mùng 6 Tết nguyên đán, các cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT đã đi cơ sở, nắm tình hình tổ chức dạy - học trên internet để hỗ trợ thầy cô. Bắt đầu từ ngày 22-2, đẩy mạnh hơn việc đi cơ sở, chủ yếu rà soát, hướng dẫn đơn vị thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng đón HS trở lại trường.
Về tình hình dạy học trên internet, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng cho biết theo thống kê sơ bộ, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn TP đều đã triển khai đa dạng hình thức dạy học với trên 80% HS tham gia (tỉ lệ tăng dần theo các cấp học, khối lớp 12 đạt trên 96%). Trong khi đó, HS lớp nhỏ (lớp 1 và 2) gặp khó khăn do cần sự hướng dẫn, kèm cặp của phụ huynh nên các trường áp dụng hình thức phiếu giao nhiệm vụ, kết hợp các đoạn phim bài giảng, nếu áp dụng trực tuyến thì thực hiện cuối giờ chiều để phụ huynh hỗ trợ con. Việc chuyển tài liệu học tập đến phụ huynh khá đa dạng. Giáo viên mầm non cũng thực hiện nhiều đoạn phim ngắn, hướng dẫn trẻ kỹ năng, nhất là những kỹ năng cần thiết, để trẻ vào lớp 1. Khối THPT sử dụng nhiều phương pháp dạy học trực tuyến. Tuy còn khó khăn do tốc độ đường truyền tại các gia đình cũng như hiện tượng bị quá tải tạm thời khi lượng truy cập tăng vọt nhưng đã khắc phục đáng kể so với năm 2020.
Điều chỉnh kỳ thi vào lớp 10
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP Hải Phòng vừa có tờ trình UBND TP về việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Theo Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, HS trên địa bàn TP đang gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, đặc biệt là các HS lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10. Do đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên và HS, bảo đảm kiến thức theo quy định, Sở GD-ĐT đã đề xuất với UBND TP Hải Phòng điều chỉnh giảm số môn thi vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn TP năm học 2021-2022. Cụ thể, kỳ thi vào lớp 10 dự kiến diễn ra với 3 môn: ngữ văn (tự luận, 120 phút), toán (tự luận, 120 phút), và ngoại ngữ (trắc nghiệm, 45 phút). Như vậy, nếu đề xuất này của Sở GD-ĐT được chấp thuận thì so với phương án tuyển sinh đã được UBND TP Hải Phòng công bố trước đây, HS Hải Phòng được giảm một môn thi.
Liên quan đến kỳ thi vào lớp 10, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết Sở GD-ĐT đang xin ý kiến UBND tỉnh để chỉ thi 3 môn thay vì 5 môn theo kế hoạch cũ. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 3 thì lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải điều chỉnh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương sẽ tính đến việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi này.
Bình luận (0)