Chương trình được tường thuật trực tuyến trên báo Người Lao Động điện tử.
Ban tư vấn chương trình
TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM.
TS Trần Cao Bảo - Khối Giảng viên Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Gia Lai.
TS Phan Ngọc Minh - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing
ThS Lê Phan Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM
TS Đào Xuân Thu - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên
PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
ThS Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn
Thạc sỹ Nguyễn Minh Nhật, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Gia Lai
Học sinh háo hức tham gia Đưa trường học đến thí sinh. Ảnh: Cao Nguyên
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh năm 2018" do Báo Người Lao Động phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, các trường ĐH, CĐ tổ chức và được tài trợ bởi Công ty CP Phân bón Bình Điền (tài trợ chính), Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sungroup) - tài trợ phụ.
7 giờ:Theo ghi nhận của chung tôi, ngay từ sáng sớm, gần 2.000 học sinh đến từ Trường THPT Chuyên Hùng Vương (địa điểm diễn ra chương trình), cùng học sinh các trường: THPT Nguyễn Chí Thanh, THPT Hoàng Hoa Thám, THPT Phan Bội Châu, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã tập trung đông đủ tại sân trường, sẵn sàng nghe tư vấn.
Sân trường chật kín chỗ ngồi
Đại biểu, khách mời chương trình Đưa trường học đến thí sinh tại Gia Lai gồm: Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động; ông Lê Duy Định- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai; thầy Nguyễn Minh Sơn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Hùng Vương; ông Dương Khánh Duy - đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền; thầy Nguyễn Thương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh.
Cùng xem hình ảnh học sinh Gia Lai trước giờ bắt đầu chương trình:
Các thành viên trong ban tư vấn khá bất ngờ khi chứng kiến sự có mặt của đông đảo học sinh từ sớm và trật tự, ngay ngắn ngồi dưới từng hàng ghế dù thời tiết tại TP Pleiku lúc này khá lạnh và nhiều gió.
Ông Bùi Thanh Liêm - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động phát biểu mở đầu chương trình
TƯ VẤN CHUNG:
8 giờ 15: TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cho biết năm 2017, tỉnh Gia Lai có 92,84% tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT với 9 trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT 100%. Theo TS Thanh Mai, 3 nội dung chính các thí sinh kỳ thi THPT năm nay cần lưu ý là: Về cơ bản, kỳ thi không thay đổi nhiều so với 2017. Đó là kỳ thi được tổ chức tại địa phương, thí sinh sẽ làm theo các bài thi, gồm 5 bài thi trắc nghiệm, 1 tự luận. Với những em xét tuyển vào ĐH, chỉ dao động 0,25 điểm đã có tính quyết định nên hãy cố gắng làm bài thật tốt. Hiện nay, Bộ GD-ĐT bố trí câu hỏi dễ, cơ bản xuất hiện phần đầu bài thi, thí sinh đọc đến đâu làm bài đến đó. Dễ hay khó tùy năng lực từng người, thí sinh đọc thấy câu nào dễ hãy làm ngay. Không theo nguyên tắc phân bố đáp án là ¼, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm để các em làm bài thi trắc nghiệm cho tốt. Việc xét tốt nghiệp sẽ dựa trên điểm bài thi và điểm lớp 12. Tại Gia Lai, tỉ lệ tốt nghiệp năm 2017 cao hơn 2016 nhưng vẫn thấp hơn cả nước.
Về đăng ký xét tuyển ĐH: Năm ngoái, trên 80% học sinh Gia Lai sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển ĐH. Có 3 phương thức cơ bản xét tuyển mà đa số các trường áp dụng, đó là dựa vào kết quả thi quốc gia, xét học bạ, tuyển sinh riêng theo từng trường (có thể có kỳ thi đánh giá năng lực, hoặc kết hợp đánh giá năng lực).
TS Thanh Mai tặng quà cho học sinh chuyên văn yêu thích sư phạm
Tình hình tuyển sinh của các trường năm nay vẫn theo ngành học, nhóm ngành, được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng, được thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả. Có các mã tổ hợp xét tuyển cơ bản của kỳ thi năm nay gồm: A00, A01, C00, D01… Có khoảng 11, 12% mã tổ hợp chứa bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, GDCD… Do đó, các em được nhiều cơ hội để chọn được ngành yêu thích. Năm nay cũng là năm nhiều cơ hội cho học sinh trường chuyên vì nhiều trường ĐH dành quyền ưu tiên tuyển thẳng cho những HS trường chuyên.
Về việc lựa chọn ngành, nghề, TS Mai cho biết các em nên lưu ý ưu tiên những ngành phù hợp với sở thích. Tiếp đó, các em hãy chọn nguyện vọng có cơ hội trúng tuyển cao, sắp xếp trong hồ sơ đăng ký theo thứ tự ưu tiên của mình. Đăng ký xong, thí sinh nghe ngóng tình hình và tổ chức điều chỉnh nguyện vọng.
HỎI - ĐÁP TRỰC TIẾP:
8 giờ 30: Sau phần thông tin mới về kỳ thi THPT 2018 và hướng nghiệp, chương trình bắt đầu đi vào phần hỏi- đáp trực tiếp:
*Khả năng và cơ hội việc làm của ngành công nghệ thông tin (CTNT) sau khi tốt nghiệp các trường ĐH như thế nào? (Trần Vương Khoa, Trường Hùng Vương)
Thầy Trương Nguyễn Luân Vũ, Trường Sư phạm kỹ thuật TP HCM, trả lời: Trong kỷ nguyên 4.0, CNTT là chuyên ngành có tác động rất lớn. Không những CTNT mà những ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo, y sinh, robot trong thời đại này rất quan trọng. Ngành CNTT ra trường có lương rất cao vì nhu cầu lớn. Tại TP HCM, có nhiều khu công nghệ cao với những ngành nghề liên quan CNTT thường xuyên tuyển dụng nhân lực. Hiện nay, mức lương cao hay thấp phù thuộc trình độ, kỹ năng từng người, có trường hợp lên đến 40-50 triệu/tháng.
PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Trường Sư phạm kỹ thuật TP HCM,
* Em dự định thi sĩ quan lục quân II, trường này xét tuyển như thế nào thưa ban tư vấn? (Nguyễn Minh Nghĩa, THPT Phan Bội Châu)
- TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, trả lời: Việc tuyển sinh ở các trường công an, quân đội rất đặc thù, khi nào các trường này công bố thì mình mới biết được. Nhưng trước khi công bố thì các em cứ khai đúng lý lịch, khám sức khỏe xem có đủ điều kiện không
* Học ngành gì để sau này em được làm sự kiện và ý tưởng? (Trần Văn Phúc Thịnh)
- ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing: Nếu yêu thích ngành truyền thông, em có thể đăng ký vào ngành makerting, ngành này có 3 chuyên ngành: Quản trị nhà hàng - Tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông - quản trị makerting
*Em định thi vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM nhưng bố mẹ lo lắng về cơ hội việc làm, vậy nếu em thi vào trường mà ra trường làm trái ngành được không?
- ThS Lê Phan Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Căn cứ vào 2017-2018, tỉ lệ thất nghiệp ngành sư phạm nhiều nhưng hiện nay các sở, các trường vẫn đang công bố thiếu giáo viên, đó là nguồn giáo viên chất lượng cao. Tuy nhiên, các bạn đang ngồi ở đây ít nhất phải năm 2022 mới tốt nghiệp ĐH, nên chúng ta phải căn cứ vào xã hội ta thời điểm đó. Khi đó, nước ta sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể! Như vậy nếu các bạn ra trường thì năm 2022 là thời điểm vàng về nhu cầu giáo viên. Trường ĐH Sư phạm TP HCM sẽ cập nhật đào tạo giáo viên theo nhu cầu đổi mới nên các trường sẽ rất cần trong tương lai. Trong xã hội, ở tất cả các ngành nghề, sẽ có nhiều trường hợp thất nghiệp chứ không riêng sư phạm. Chúng ta phải luôn tự hỏi mình đã đáp ứng được yêu cầu của nghề đó chưa, có đủ tiêu chuẩn, kỹ năng chưa để phấn đấu các em nhé.
ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM
Học sinh hào hứng đặt câu hỏi
*Em đang theo học khối A1 (Toán, lý, tiếng Anh) nhưng không biết nên chọn ngành nào? (Thu Trang, Trường THPT Phan Bội châu)
- Người yêu học trường khác, mình lại thích trường khác thì nên làm thế nào?
- Gia đình em khó khăn, không đủ điều kiện học ĐH thì có nên theo đuổi không ạ?
TS Lê Thị Thanh Mai trả lời: Trong chọn lựa nghề nghiệp, chúng ta quan tâm người bên cạnh hơn chính bản thân ta. Lúc nào, chúng ta cũng lo lắng, người này người kia chọn cái gì? Nếu ba mẹ, người thân yêu cầu mình học trường khác thì mình tìm hiểu lý do, sau đó thuyết phục gia đình. Lưu ý, với điều kiện ngành nghề đó phải thật sự phù hợp với chính bản thân và các em thực sự phải đam mê. Trước nay, thí sinh chỉ quan tâm mình thi khối truyền thống và đóng mình trong khung truyền thống đó. Thời điểm này, các em không được phân tâm, chỉ quan tâm một điều: Mình thích ngành nào, ngành đó có ở trường nào, có những tổ hợp xét tuyển gì?
TS Mai cũng cho biết hiện nay nhiều trường có chương trình học bổng, những chương trình tiếp sức đến trường giúp sinh viên không phải bỏ học vì khó khăn. Nhiều trường CĐ tại Gia Lai cũng là sự lựa chọn cho các em.
Trường CĐ Nghề Gia Lai bổ sung: Nếu điều kiện còn hạn chế, các em có thể chọn những trường địa phương sẽ tiết kiệm chi phí, khoảng cách. Các em học những bậc thấp hơn, sau đó học liên thông vì hiện nay các trường có sự liên kết đào tạo với nhau với nhiều. Các em nên lưu ý điều quan trọng không phải học gì, học đâu, mà học xong chúng ta làm gì? Hiện nay nhà trường đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm
*Thị lực của em yếu, em không ngồi trên máy tính lâu được, em đang học khối A. Vậy em có thể thi vào ngành này? (Hoàng Xuân Nhật, Trường THPT Phan Bội Châu)
- ThS Lê Phan Quốc - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Tôi chưa thống kê kịp các ngành nghề tuyển sinh bằng khối A nhưng hiện nay, Trường ĐH Sư phạm TP HCM chúng tôi có ngành giáo dục đặc biệt, đào tạo giáo viên ra trường dạy những em bị khiếm khuyết, không may. Việc đào tạo sẽ bằng những công nghệ mới, chẳn hạn không cần nhìn nhưng vẫn có thể đọc được.
* Em muốn học ngành quản trị kinh doanh nhưng không biết hiện nay học ở trường nào là tốt nhất?
- TS Phan Ngọc Minh - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM: Do đặc thù về lịch sử nên trường mang tên là Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, khiến mọi người nhầm tưởng chỉ đào tạo ngành ngân hàng. Thực tế, trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có ngành quản trị kinh doanh. Hiện nay trường có phương thức xét tuyển duy nhất là dựa vào điểm của kỳ thi THPT quốc gia với nhiều tổ hợp môn truyền thống.
Học sinh chia sẻ nỗi lo trước mùa thi với MC Hồng Trang
* Ngành tự động hóa thì chọn trường nào, ra trường làm gì? (Thí sinh Đạt, THPT Chuyên Hùng Vương)
- PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Nếu có đam mê và có tố chất học điều khiển tự động, tự động hóa thì những ngành em có thể đăng ký là: Điều khiển tự động và tự động hóa, ngành cơ điện tử... Các trường có thể đào tạo ngành nay hiện tại là: Trường ĐH Bách khoa TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM.
- TS Trần Cao Bảo - Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Gia Lai, bổ sung: Trường ĐH Nông Lâm TP HCM hiện có đào tạo ngành tự động hóa. Hiện nay, hầu hết các trường ĐH đều đào tạo đa ngành. Thế nên, khi các em chọn ngành thì cân nhắc để chọn trường nào có thế mạnh đào tạo về ngành đó.
* Em thích ngành thông dịch viên tiếng Nhật thì học ở đâu? (HS đến từ Trường THPT Nguyễn Chí Thanh)
- ThS Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Trường đào tạo nhiều ngành ngôn ngữ như Nhật, Anh, Hàn… Riêng ngành ngôn ngữ Nhật, bạn sẽ học tiếng Nhật, truyền thống văn hóa, lịch sử nước Nhật… đồng thời được tham gia các khóa thực tập. Năm nay, trường cũng xét tuyển theo 2 phương thức là điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ lớp 12.
* Em học không giỏi môn toán, nhưng lại thích các ngành khoa học? Em có thể học trường nào?
- TS Đào Xuân Thu - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên: Tại trường, trừ những ngành như y đa khoa, sư phạm thì những ngành truyền thống như khoa học cây trồng… có điểm xét tuyển gần với điểm sàn xét tuyển của bộ nên với những em có năng lực không cao vẫn có thể có những ngành phù hợp.
*Thế mạnh đào tạo của trường ĐH Nông lâm, phân hiệu Gia Lai là gì?
TS Trần Cao Bảo, Trường ĐH Nông lâm, phân hiệi tại Gia Lai trả lời: Trường ĐH Nông Lâm, phân hiệu Gia Lai tuyển sinh cả nước. Hiện nay, trường có nhiều ngành "hot", các em có thể tìm hiểu thêm trên website của trường.
*Em nên học ngành gì để ra trường kiếm được việc làm luôn ở Gia Lai? ( Hỏi: Hà Thị Phương - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai)
- Trường CĐ Nghề Gia Lai trả lời: Hiện nay, có nhiều ngành của các trường đào tạo tạo tại Gia Lai phù hợp với nữ, chẳng hạn như các ngành du lịch nhà hàng, khách sạn, kế toán doanh nghiệp. Học xong em có thể làm tại địa phương.
Hàng trăm câu hỏi được thí sinh chuyển đến ban tổ chức, nhiều em mạnh dạn đặt câu hỏi trực tiếp
Đại diện Trường CĐ Đại Việt trả lời câu hỏi của thí sinh
* Em nghe nói thông tin trường ĐH Tài chính - Makerting tuyển thẳng học sinh giỏi. Vậy em là học sinh giỏi 3 năm liên tiếp thì có được tuyển vào bất cứ ngành nào của trường hay sao?
- ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing: Em được xét tuyển vào bất cứ ngành nào của trường. Năm nay, trường dành 25% chỉ tiêu tuyển thẳng học sinh giỏi.
* Một học sinh đặt câu hỏi: Em muốn học ngành dược ở một trường tại TP HCM, xin thầy cô tư vấn!
- TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM: Tại TP HCM, những trường có tuyển sinh ngành dược hiện rất nhiều và các em cần cân nhắc xem năng lực, so sánh điểm thi thử của mình so với điểm chuẩn hàng năm là bao nhiêu. Nếu điểm vượt quá sức của mình, các em nên bỏ ra. Nếu các em quyêt tâm chỉ chọn ngành dược ở một trường cụ thể thì nhìn trong trường đó, ngành nào gần với ngành được mà có điểm phù hợp. Lời khuyên của tôi là không nên để dành sang năm, việc gì cần làm thì làm ngay bây giờ. Ngoài ra, các em vẫn có thể học ngành hóa, công nghệ sinh học và học văn bằng 2 ngành dược.
Trả lời câu hỏi của một học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương quan tâm ngành toán, thầy Lê Phan Quốc, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP HCM trả lời: Hiện nay, rất nhiều học sinh quan tâm sư phạm toán. Trường đang chờ quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để có đề án chính thức nhưng thông báo với các em năm 2017, học sinh vào toán không tuyển thẳng.
* Ngành CNTT là ngành đòi hỏi sự sáng tạo và sức trẻ, nhất là từ 20-30 tuổi, già quá thì bị đào thải. Vậy khi em 30 tuổi em còn cơ hội làm ngành này không? (Vũ Công Nguyên, chuyên toán Hùng Vương)
- PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ - Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Không có chuyện như em nói. Ngành CNTT thì đòi hỏi người làm việc phải luôn cập nhật cái mới. Do đó, nếu tuổi cao nhưng người làm cầu thị, chú tâm vào nghề nghiệp thì cơ hội việc làm càng cao.
Đến 10 giờ 30 sáng 28-1, sau 2 giờ tư vấn, các thầy cô từ trường ĐH vẫn không ngớt nhận được câu hỏi từ phía 2.000 thí sinh Gia Lai. Chương trình chuyển sang tư vấn riêng để học sinh có thể đến tận trường mình dự định thi vào hỏi cặn kẽ.
11 giờ 00: Chương trình kết thúc.
TS Thanh Mai tư vấn cụ thể cho thí sinh những vấn đề các em quan tâm khi chương trình đã kết thúc
Các chuyên gia tư vấn sâu cho học sinh đến những câu hỏi cuối cùng
Bình luận (0)