V iệc NXB Giáo dục Việt Nam (GDVN) chi thù lao cho lãnh đạo và nhân viên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM suốt từ năm 2015 đến nay khiến dư luận đặt câu hỏi TP HCM có công bằng khách quan trong việc chọn sách giáo khoa (SGK)?
Thù lao 3,5-6 triệu đồng/tháng
Từ tháng 9-2015, NXB GDVN đã có Quyết định số 778 về việc chi thù lao cho Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP HCM. Theo quyết định này, NXB GDVN chi thù lao cho 11 người, gồm: ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở (trưởng ban), phó giám đốc sở (phó trưởng ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, 2 phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của 2 phòng chuyên môn này. Mức chi được áp dụng cho trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, phó trưởng ban 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên là 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1-5-2015 và nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB GDVN.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, tại buổi ra mắt các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam tại TP HCM Ảnh: HUY LÂN
Đến tháng 1-2018, NXB GDVN lại ra tiếp Quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao cho Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam. Theo đó, số thành viên của ban chỉ đạo này vẫn là 11 người của Sở GD-ĐT TP HCM. Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn vẫn là trưởng ban. NXB GDVN có 9 thành viên. Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD-ĐT TP HCM. Mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như năm 2015, đối với nhóm hỗ trợ thì mức thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đảm nhiệm chi lần này là NXB GDVN tại TP HCM.
Liên quan đến vấn đề này, NXB GDVN cho hay từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, NXB GDVN đã tiến hành chuẩn bị nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới. Theo đó, NXB GDVN phối hợp với Sở GD-ĐT TP HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam (bộ SGK "Chân trời sáng tạo"), với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo... cho đội ngũ tác giả, thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo...
Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB GDVN cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
Cạnh tranh không lành mạnh
Tuy nhiên, ở cuộc họp báo công bố SGK mới ngày 22-11 tại TP Hà Nội, Bộ GD-ĐT khẳng định không có SGK nào là của Sở GD-ĐT TP HCM chủ trì biên soạn hay đứng tên tác giả trong tất cả hồ sơ mà bộ tiếp nhận đề xuất thẩm định SGK lớp 1.
Với phần trả lời của đại diện Bộ GD-ĐT, câu hỏi được đặt ra: Vậy thì căn cứ nào để NXB GDVN chi tiền cho lãnh đạo và nhân viên Sở GD-ĐT TP HCM trong suốt nhiều năm nay? Và nếu lãnh đạo cùng nhân viên Sở GD-ĐT TP HCM nhận tiền thù lao suốt nhiều năm như vậy của NXB GDVN thì việc chọn bộ SGK cho địa phương này có còn khách quan hay không?
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, gần đây đã tiết lộ để chiếm lĩnh thị phần SGK, những nhà xuất bản có tiềm lực lớn sẵn sàng hạ giá sách lớp 1, chấp nhận chịu lỗ để loại các đơn vị khác ra khỏi cuộc cạnh tranh. Thậm chí có NXB đã chi lương cho giám đốc Sở GD-ĐT cùng các chuyên viên suốt từ năm 2015 đến nay. Nếu đã chi tiền như thế thì làm sao sở đó có thể chọn SGK công tâm? Và như vậy thì hệ quả là chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK cũng phá sản.
Trả lời câu hỏi việc lựa chọn SGK có công khai, minh bạch khi NXB đã chi thù lao cho Sở GD-ĐT TP, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB GDVN, dẫn ra Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ông Tùng cho rằng các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy - học.
Sở GD-ĐT TP HCM: Xong sách thì thôi thù lao
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết khi còn thực hiện một chương trình, một bộ SGK thì TP HCM đã soạn một số sách, được giáo viên chọn làm tài liệu tham khảo để giảng dạy. Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì NXB GDVN từ năm 2015 đã làm việc với Sở GD-ĐT TP HCM về xây dựng SGK. Sau khi được sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT thì NXB GDVN và Sở GD-ĐT TP HCM thành lập ban chỉ đạo để bắt tay vào tổ chức xây dựng bộ sách nên NXB GDVN có chi thù lao. Việc chi thù lao được thực hiện theo từng công đoạn, nội dung và khi hoàn thành xây dựng bộ sách thì chấm dứt.
Ông Hiếu cũng cho biết bộ sách "Chân trời sáng tạo" không phải của riêng TP HCM mà là do các giáo viên, các cán bộ có kinh nghiệm ở TP tham gia biên soạn theo đặt hàng của NXB GDVN. Việc tổ chức, xây dựng nội dung bộ sách, NXB GDVN đều trả thù lao cho những người tham gia và khi hoàn thành thì bản quyền thuộc NXB và không có chuyện ăn chia lợi nhuận xuất bản (nếu có).
H.Lân
Bình luận (0)