Từ năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT quy định chỉ lấy điểm của kỳ kiểm tra học kỳ II để xếp loại học lực thay vì điểm trung bình của bài kiểm tra học kỳ I và II như trước. Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, mục đích của việc đánh giá, xếp loại thông qua điểm học kỳ II là nhằm khuyến khích học sinh học tập chuyên cần, phát huy tính tích cực, sáng tạo và nâng cao khả năng tự học. Cũng theo ông Điệp, học sinh nào chưa đạt yêu cầu về hạnh kiểm và môn học sẽ được bồi dưỡng, kiểm tra bổ sung vào thời điểm cuối năm học hoặc sau hè.
Việc dùng kết quả kiểm tra cuối kỳ II để đánh giá học lực học sinh rõ ràng có lý lẽ riêng song chưa thuyết phục được lãnh đạo các trường. Nhiều vị hiệu trưởng nói đánh giá học lực cần phải theo một quá trình bởi kết quả bài kiểm tra cuối một học kỳ chưa hẳn đã đánh giá chính xác sự nỗ lực của học sinh. Nhiều học sinh học tập tốt có thể đạt kết quả kém do chuẩn bị chưa kỹ hoặc vì yếu tố tâm lý. Mặt khác, đề kiểm tra cuối kỳ II môn toán và tiếng Việt do các phòng GD-ĐT quận, huyện tự ra nên mức độ khó, dễ cũng khác nhau. Đôi khi đề kiểm tra ở một số quận chỉ ra trong phần kiến thức cuối học kỳ II nên việc dùng kết quả này để đánh giá học lực nguyên cả năm là chưa chính xác và thiếu công bằng.
Kết quả học lực là một trong những yếu tố quan trọng để xét cho học sinh lên lớp. Nhiều trường THCS còn quy định chỉ tuyển những học sinh đạt điểm 10 ở bài kiểm tra cuối kỳ II môn toán và tiếng Việt. Phải chăng vì yếu tố quyết định của bài kiểm tra cuối học kỳ II mà mới đây tại Trường Tiểu học Hàn Hải Nguyên (quận 11), tiêu cực đã xảy ra trong kỳ kiểm tra học kỳ II của học sinh lớp 5 khi một nhóm giáo viên mang đề thi ra khỏi hội đồng coi thi để giải rồi mang vào đưa giám thị chỉ bài cho học sinh?
Bình luận (0)