Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố 3 mức điểm sàn như sau: Hệ ĐH điểm sàn tối thiểu (mức 3) là 13 điểm, mức 2 là 14 điểm và mức 1 là 17 điểm đối với các khối A, A1, C, D. Các mức điểm sàn của khối B lần lượt là 14-15 và 18 điểm. Điểm sàn tối thiểu CĐ thấp hơn điểm sàn ĐH 3 điểm, tương ứng với từng khối thi.
Phổ điểm dịch chuyển về mức cao
Ngay sau khi công bố các mức điểm sàn ĐH, CĐ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chủ trì buổi họp báo. Ông Ga cho rằng kết quả thi năm nay, hầu hết các khối thi có phổ điểm dịch chuyển về mức điểm cao. Trong đó, điểm cao nhất là khối A, A1, B, cao hơn khoảng 3 điểm so với năm ngoái, cho thấy đề thi có sự phân loại tốt. Theo đánh giá của ông Ga, phổ điểm bình quân khá đẹp.
Ông Ga cũng cho biết hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT đã chọn mức điểm sàn tối thiểu mà thí sinh (TS) có thể học ĐH được, bằng trung vị của phổ điểm trừ đi 1 (trung vị là 50% TS đạt mức điểm đó trở lên). Trên cơ sở mức điểm sàn tối thiểu, hội đồng tiếp tục quyết định mức 2 là trung vị phổ điểm cộng thêm 1 điểm, từ mức 1, hội đồng quyết định thêm mức 3 dành cho các trường ĐH tốp trên (bằng mức 2 cộng với 3 điểm). Điểm mức 3 sẽ có khoảng 20%-30% TS đạt được để học các trường tốp trên.
“Với điểm sàn năm nay, khoảng 60% TS đạt mức điểm sàn tối thiểu, tương đương 650.000 em, như vậy là khá thoải mái về nguồn tuyển cho các trường” - ông Ga nhận định. Theo ông Ga, các mức điểm sàn sẽ phân khúc nguồn tuyển cho các trường. Top trên chọn mức 3, top giữa chọn mức 2, còn các trường chưa có sức hút sẽ chọn mức sàn tối thiểu. Các trường sẽ cân nhắc thực lực của mình để chọn mức điểm sàn phù hợp nhất. “Hội đồng điểm sàn khuyến nghị các trường tốp giữa nên cân nhắc mức điểm sàn thích hợp để bảo vệ uy tín của mình, không nên sử dụng mức điểm sàn tối thiểu để xét tuyển. Các trường tốp trên phải chia sẻ với các trường tốp dưới trong tuyển sinh” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thay đổi không nhiều
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố 3 mức điểm sàn, đại diện các trường cho rằng việc đưa ra 3 mức điểm xét tuyển không có gì thay đổi so với một mức điểm sàn mà bộ áp dụng từ nhiều năm qua.
TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG TP HCM), cho rằng về bản chất thì 3 mức điểm xét tuyển mà bộ vừa đưa ra không khác gì điểm sàn trước kia. Bởi vì, chỉ mức 3 mới có tính ràng buộc các trường không được xét điểm thấp hơn, còn lại thì các trường hoàn toàn được cân nhắc điểm chuẩn dựa trên chất lượng TS và chỉ tiêu. Tuy nhiên về mặt tâm lý, cũng có những trường hợp hội đồng tuyển sinh của một số trường sẽ cân nhắc để chọn mức cao hơn nếu có thể và tuyển thêm nguyện vọng bổ sung.
ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng nếu nhằm vào mục đích tuyển sinh thì với nhiều trường, việc công bố 3 mức điểm xét tuyển chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, việc này sẽ có giá trị để xác định thứ hạng của trường. Theo ông Sơn, sau kỳ tuyển sinh này, Bộ GD-ĐT cần công bố có bao nhiều trường chọn mức điểm 1, 2 và thậm chí từ năm sau, khuyến khích các trường đăng ký mức điểm trúng tuyển. Việc này có thể khiến nhiều trường không đạt chỉ tiêu nhưng về lâu dài lại là động lực để các trường xây dựng thương hiệu, vị trí trong hệ thống trường ĐH.
Bình luận (0)