Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng 6, theo từng cụm thi tại các tỉnh, thành. Điểm thi là các trường THPT, ĐH, CĐ. Hội đồng chấm thi là cán bộ, giáo viên của các sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); các trường ĐH, CĐ. Lãnh đạo các trường ĐH, các sở GD-ĐT có uy tín, kinh nghiệm tổ chức thi sẽ là lãnh đạo hội đồng thi.
Gọn nhẹ, đánh giá năng lực toàn diện
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra 3 phương án thi như sau: Phương án 1: thi 8 môn, trong 4 ngày, mỗi thí sinh (TS) dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn; ngoài 4 môn trên, TS có quyền đăng ký thêm các môn còn lại để lấy kết quả tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Phương án 2: tổng hợp thành 5 bài thi từ 8 môn học lớp 12, thi trong 2 buổi rưỡi; mỗi TS phải thi 4 bài, trong đó 3 bài thi bắt buộc, 1 bài thi tự chọn. Phương án 3: tổng hợp thành 4 bài thi từ 11 môn học lớp 12, TS phải thi cả 4 môn trong vòng 2 ngày.
Ông Hiển cho rằng phương án 1 ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh, đặc biệt là những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự kỳ thi. Đồng thời cũng thuận lợi cho việc ra đề thi, giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được TS phù hợp với ngành đào tạo của trường. Bên cạnh đó, việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng. Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Phương án 2 và 3 sẽ giúp kỳ thi gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi; mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1; hạn chế việc dạy dồn, cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây. Tuy nhiên, việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài, thời gian dành cho mỗi môn thi ít hơn. Do vậy, việc ra đề thi vừa đáp ứng học vấn phổ thông vừa nâng cao phân hóa trình độ học sinh phục vụ việc xét tuyển là khó khăn. Hơn nữa, thực hiện từ năm 2015 thì sẽ khó khăn trong việc ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn coi thi, bồi dưỡng giáo viên…; gây áp lực căng thẳng cho học sinh vì phải học quá nhiều.
Điểm các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Như vậy, học sinh sẽ thi kỳ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi.
Quá gấp gáp nếu thi tích hợp
Ngay sau khi bộ công bố 3 phương án, lãnh đạo các sở GD-ĐT đã có ý kiến rất trái chiều. Ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, cho rằng phương án 1 có thể thực hiện ngay từ năm 2015 vì phù hợp với tình hình hiện nay bởi sẽ không gây xáo trộn đột ngột, lo lắng cho phụ huynh, học sinh. Ông Cường nhấn mạnh phương án 2 và 3 mà bộ đưa ra cần có thời gian chuẩn bị cả trong cách dạy và học.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn cho biết hoàn toàn ủng hộ phương án 1. Theo phân tích của ông Sơn, cần có thời gian chuẩn bị cho việc dạy và học cũng như thi tích hợp. Phương án 2 nếu có thể, nên bắt đầu thi từ năm 2016.
Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cũng cho rằng năm 2015 nên tổ chức theo phương án 1. Với phương án 2 và 3, học sinh miền núi, vùng khó khăn sẽ rất bị động vì chưa làm quen và được tiếp cận với cách thi này.
PGS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ủng hộ phương án 2 và cho rằng cần thống nhất phương án, phổ biến sớm cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng bài thi môn khoa học xã hội cần có thêm môn giáo dục công dân mới toàn diện.
Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cũng nghiêng về thực hiện phương án 2 từ năm 2016. “Dạy theo môn nhưng phải thi theo bài” - ông Long nhấn mạnh.
Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở
GD-ĐT TP Cần Thơ, cho rằng trong 3 năm tới nên thi theo phương án 1 để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, từ sau năm 2017, khi học sinh được học chương trình sách giáo khoa tích hợp thì nên thi theo phương án 2.
Phải rõ quan điểm chọn phương án
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chọn phương án phải tính tới việc gắn với chương trình, sách giáo khoa đổi mới như thế nào. “Đứng từ góc độ bên ngoài thì phương án 1 và 2 là một phương án, đó là không bắt học sinh thi tất cả các môn. Phương án 3 là học sinh học gì thi nấy. Phương án 1 và 2 chỉ khác nhau là thi theo môn và theo bài, chưa có gì liên quan đến chương trình dạy học; chỉ có điểm khó là thay vì 3 buổi thi 3 bài thì nay thi trong một buổi” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải nêu rõ cũng như phân tích quan điểm của mình khi nghiêng về một phương án nào cũng như phải thuyết trình cho xã hội hiểu được điều đó.
Các phương án cụ thể
Phương án 1: Thi theo môn với 8 môn, gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ; 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi TS phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn do TS tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.
Phương án 2: Thi 5 bài thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý) tổng hợp từ 8 môn học ở lớp 12 (toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ). Mỗi TS phải thi 4 bài gồm 3 bài bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Phương án 3: Thi 4 bài gồm toán - tin, khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ), khoa học xã hội (gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân), ngoại ngữ. TS phải thi cả 4 bài thi nói trên.
Cần sự quyết tâm
Cả 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều hướng đến mục tiêu dùng kết quả một kỳ thi để xét tốt nghiệp
THPT và làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ưu điểm của phương án 2 và 3 là đánh giá toàn diện được TS. Để xét tốt nghiệp thì rất cần sự đánh giá toàn diện đối với TS. Riêng việc xét tuyển ĐH, CĐ, ngoài kiến thức toàn diện còn cần đặc điểm nổi trội ở ngành mà TS theo học. Nhưng cả 2 phương án này có sự thay đổi lớn nên thực hiện điều đó sẽ nặng nề và gây bỡ ngỡ lớn cho TS nếu áp dụng ngay trong năm 2015.
Do vậy, phương án 1 là khả thi nhất nếu như đưa vào áp dụng từ năm 2015 nhưng về lâu dài vẫn tính đến phương án 2 và 3.
Đổi mới là rất cần thiết nhưng quan trọng hơn là cần sự quyết tâm của ngành giáo dục, bắt đầu từ Bộ GD-ĐT. Ở các khâu như ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi phải bảo đảm khoa học, chính xác, khách quan và đáng tin cậy.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM)
Phải thật nghiêm túc
Kỳ thi quốc gia phải đạt 2 mục tiêu: thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH, CĐ. Điểm bài thi và thứ hạng
có ý nghĩa quan trọng trong việc xét tuyển ở bậc ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT. Kỳ thi phải thật sự nghiêm túc như những gì mà các trường ĐH, CĐ đã tổ chức “3 chung” - được đánh giá rất tốt trong hơn chục năm qua.
Các trường ĐH, CĐ có thể thi hoặc xét tuyển vào các ngành, theo điểm học sinh đạt được ở các bài thi phù hợp với yêu cầu của ngành học. Căn cứ trên thống kê điểm số và đặc thù ngành học cần những thế mạnh hoặc năng lực của TS mà các trường công khai tiêu chí xét tuyển. Ví dụ, ngành công nghệ sinh học yêu cầu TS đạt được ít nhất bài thi sinh từ 7-8 điểm trở lên và các bài thi khác từ 6 điểm trở lên trong nhóm bài thi.
Chắc chắn Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện đề án cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Việc tổ chức một kỳ thi chung này sẽ không mâu thuẫn, không chồng chéo với việc học sinh tốt nghiệp THPT và không mâu thuẫn với đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Bắt đầu một kỳ thi từ năm 2015 là khả thi.
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM)
Bình luận (0)