Việc trồng người phải được bắt đầu bằng sự học. Đó là một trong ba nhiệm vụ khẩn thiết, Hồ Chủ tịch đề ra trong khẩu hiệu 3 chống ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công: “Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”.
Trong tính cấp thiết của nó, giặc dốt ở vị trí số 2 sau giặc đói, bởi đất nước vừa trải một trận đói 2 triệu người chết; và trước giặc ngoại xâm - còn biết bao nhiêu gay go, phức tạp.

Ảnh: Nguyễn Á
Bức thư tha thiết đầu tiên ngay sau ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, đó là bức thư gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9-1945:
Đây là bức thư mà lớp lớp thế hệ thiếu nhi, học sinh từ Cách mạng Tháng Tám cho đến nay không ai không nhớ, không thuộc.
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”.
Như vậy là trong sự nghiệp giáo dục để trồng người, Bác giao trách nhiệm và gửi gắm mọi kỳ vọng vào hai đối tượng chính là thầy và trò. Cả hai, như sau này, trong nhiều lần căn dặn, Bác chỉ yêu cầu hai tốt, tức là học tốt và dạy tốt. Cũng trong mối quan hệ xây và chống, lấy xây làm chính đó, từ năm 1968, Bác đã chủ trương việc viết sách người tốt, việc tốt để động viên và giáo dục nhân dân, cán bộ.
Nhà trường, với hai nhân vật chính là thầy và trò, có trách nhiệm “đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”. Để được là công dân tốt, cán bộ tốt, Bác đặt yêu cầu cao nhất là trau dồi đạo đức cách mạng. Và, đạo đức, trên báo Cứu quốc năm 1949, Bác nêu bốn phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính:
“Trời có 4 mùa: Xuân, hạ, thu, đông.
Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”.
Bốn phẩm chất trong gắn kết của một chỉnh thể và Bác chính là hiện thân trọn vẹn nhất của sự gắn kết đó.
Sự thật thì ngay sau cách mạng thành công, bao nhiêu người tài trong các giới tri thức khoa học, văn hóa, nghệ thuật đã tập hợp xung quanh Bác, bởi niềm tin tuyệt đối vào Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh - hai cái tên không ai không ngưỡng vọng.
Trong nhận xét của nhà văn Nga Mandenxtam, năm 1923 đã có một tiên tri về Nguyễn Ái Quốc: “... từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Nói Hồ Chí Minh là nói đến một con người với lòng tin kiên định ở tương lai - tương lai của dân tộc Việt, tương lai của các thế hệ con em đất Việt. Và như vậy, việc chuẩn bị cho con người những hành trang đường dài, cho tương lai, luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời, cho đến khi qua đời, như trong Di chúc năm 1969: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Và:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.
Còn người là còn tất cả. Và sự nghiệp trồng người là sự nghiệp khó khăn nhất, cao cả nhất, chung cho tất cả.
Sự nghiệp trồng người là sự nghiệp khó khăn nhất, cao cả nhất. |
Tây Hồ tháng 11-2011
Bình luận (0)