Hiện có 2 phương pháp chính ra đề thi: tự luận (TL) và trắc nghiệm khách quan (TNKQ). TL là phương pháp ra đề thi có vài câu hỏi ngắn theo một vài chủ đề nào đó, thí sinh (TS) tự trình bày bằng một bài viết dài, một đề thi chỉ có thể đề cập đến một vài chủ đề trong chương trình. TNKQ là cách ra đề bao gồm các câu hỏi cho TS trả lời chủ yếu theo kiểu lựa chọn các phương án đã đưa ra sẵn bằng đánh dấu hoặc trả lời rất ngắn, đề thi có khả năng bao phủ chương trình.
Phương pháp TNKQ có ưu thế áp đảo
Vậy nên chọn đề TL hay TNKQ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần xem mục đích và đặc điểm của kỳ thi là gì? Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích kiểm tra nền kiến thức rộng và kỹ năng cơ bản mà TS tích lũy được qua chương trình phổ thông. Đặc điểm của kỳ thi này là có rất đông TS đi thi, bởi vậy cần tổ chức nhanh gọn, đỡ tốn kém cho dân; cần chấm bài nhanh, chính xác, tránh tiêu cực thiên vị; cần có những biện pháp chống quay cóp, gian lận.
Căn cứ vào yêu cầu và các đặc điểm trên, giáo sư Lâm Quang Thiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nên chọn phương pháp TNKQ vì có các thế mạnh sau: Đề thi có thể phủ kín được chương trình; rất ít may rủi do “trúng tủ, trật tủ”; quy trình ra đề thi bảo đảm có sự tham gia của nhiều người và có thời gian gọt giũa các câu hỏi để có một đề thi chất lượng tốt mà vẫn bảo đảm được bí mật cao; thời gian thi có thể ngắn hơn, một buổi có thể thi gộp 2-3 môn; chấm thi hoàn toàn khách quan, nhanh chóng, chính xác; có nhiều biện pháp giảm quay cóp trong quá trình thi.
“Xắn tay áo” cùng làm!
Hiện nay, Bộ GD-ĐT có thông báo từng bước đưa phương pháp TNKQ vào trường phổ thông, tuy nhiên chưa có một lộ trình thời gian cụ thể nên mỗi địa phương làm mỗi cách, thế nhưng không phải nơi nào cũng tìm ra đường đi hợp lý... Trong khi các trường phổ thông còn mày mò tìm hướng đi thì Bộ GD-ĐT lại tuyên bố sẽ đưa phương pháp thi TNKQ vào kỳ thi tuyển sinh ĐH 2006 khiến tình hình đã rối càng rối hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Phụng Hoàng, ĐHDL Hồng Bàng: “Chính phủ đã thông qua đề án áp dụng thi TNKQ từ nhiều năm trước. Sở dĩ Bộ GD-ĐT hoãn đi hoãn lại nhiều lần việc này là do ngại ngùng! Bộ cần giao việc đúng người có trình độ chuyên môn, cần tìm người hiểu biết để “xắn tay áo” lên làm cho được việc...”.
Cần có lộ trình hợp lý hơn
Ông Hoàng đề nghị, trước mắt Bộ GD-ĐT cần làm ngay một số việc như: Mời những chuyên gia có trình độ hiểu biết và đã qua thực tiễn áp dụng TNKQ tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán, hướng dẫn phương pháp ra câu hỏi và đánh giá TNKQ, có thời gian tiến hành thử nghiệm các câu hỏi đạt chuẩn để lập ngân hàng đề thi.
Tiến sĩ Nguyễn Cam, ĐH Sư phạm TPHCM, cũng cho rằng đây là một công việc đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian và kinh phí để thực hiện. Ông nói: “Cần đưa ngay môn học về TNKQ vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên ĐH Sư phạm để các thầy cô giáo tương lai biết cách ra câu hỏi và đánh theo hình thức này”. Ông đề nghị: “Bộ GD-ĐT cần có lộ trình hợp lý hơn, gấp rút triệu tập những người hiểu biết về TNKQ để cùng làm việc, chuẩn bị ngay cho đội ngũ thầy cô giáo những hiểu biết cần thiết trước khi đưa những hiểu biết đúng đắn đó đến với học sinh của mình”.
Nhóm PV Giáo dục
-------------------------------------------
Bình luận (0)