Làm công tác xã hội, tài trợ cho các chương trình nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là các hoạt động giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho con em nông dân đã trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch hoạt động thường niên và gắn với thương hiệu Phân bón Đầu Trâu.
Thiết thực, ý nghĩa
Đã 19 năm kể từ khi lần đầu tiên những người thực hiện chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động ngược xuôi các tỉnh, thành tổ chức các buổi giao lưu, tư vấn chọn trường cho học sinh lớp 12. Trong hành trình 19 năm đó, 7 năm ròng Công ty CP Phân bón Bình Điền (gọi tắt là Công ty Bình Điền) với thương hiệu Phân bón Đầu Trâu có mặt với vai trò nhà tài trợ.
Trong nhiều năm liền, Công ty Bình Điền hợp tác với một số cơ quan truyền thông thực hiện các chương trình hướng đến đối tượng chính là nông dân và con em họ. "Đưa trường học đến thí sinh" cũng là một trong những chương trình như vậy. Chương trình còn mang ý nghĩa tích cực vì có nhiều thông tin sát sườn, thiết thực định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, được tổ chức thực hiện bởi một tờ báo lớn, có uy tín nên sức lan tỏa cao" - ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty Bình Điền, nêu lý do chọn đồng hành với chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động.
Một buổi tư vấn trực tuyến của chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” Ảnh: TẤN THẠNH
"Nhiều lần đi chung đoàn tư vấn đến các tỉnh, thành nhưng lần nào cũng thấy học sinh rộn ràng đến từ sớm, xếp hàng ngay ngắn chờ đến giờ giao lưu với các thầy cô từ các trường đại học để tìm hiểu điều kiện tuyển sinh, định hướng ngành nghề tương lai và cách các em hào hứng phát biểu, đặt câu hỏi với ban tổ chức thì tôi đều xúc động như lần đầu tiên. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ biết chương trình cần thiết, ý nghĩa" - ông Tâm nói thêm.
Mỗi năm, chương trình đã có những cải tiến để hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng bất ngờ của đại dịch Covid-19, một số buổi giao lưu trực tiếp đã được thay thế bằng chương trình tư vấn trực tuyến và vẫn bảo đảm đưa được những thông tin mới nhất, quan trọng nhất đến với học sinh các nơi.
Việc cần làm, khó mấy cũng làm
Qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, dù tình hình kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt hơn cộng với những diễn biến thời tiết bất lợi như hạn - mặn, nắng nóng... khiến lợi nhuận có phần sụt giảm nhưng Công ty Bình Điền vẫn đều đặn trích ra một phần lợi nhuận không nhỏ để thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội, cộng đồng.
Công ty Bình Điền hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ nông dân nên mỗi năm trích ra hơn 20 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, hướng đến nông dân. Đây cũng là cách công ty chọn để san sẻ khó khăn với nhà nông, chung tay chăm lo cho thế hệ con em của họ học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, bên cạnh việc tài trợ các chương trình tư vấn hướng nghiệp, quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" của Công ty Bình Điền đã hỗ trợ học bổng cho hàng chục ngàn tân sinh viên là con em nông dân nghèo cả nước.
Trong điều kiện khó khăn hiện tại, để duy trì kinh phí cho các hoạt động xã hội - cộng đồng song song với nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền lợi người lao động, lợi ích của các nhà đầu tư, công ty đã triển khai nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, cải tiến sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh. "Dẫu khó khăn đến thế nào, Công ty Bình Điền vẫn đồng hành cùng tương lai con em nhà nông cũng như luôn đồng hành với chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động" - ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Bình Điền, khẳng định.
Đẩy mạnh hình thức tư vấn trực tuyến
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Bình Điền, đánh giá chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" đã hoàn thiện, hiệu quả hơn qua từng năm thực hiện. "Hiện nay, mạng xã hội phát triển rất mạnh, chúng ta có thể tận dụng kênh này để tương tác với học sinh, từ đó hiểu hơn nhu cầu, xu hướng tiếp cận của học sinh và có những bổ sung, điều chỉnh cho chương trình thêm phong phú, đa dạng. Cũng có thể đẩy mạnh hình thức tư vấn trực tuyến; sử dụng mạng xã hội như fanpage, YouTube, Zalo... để kết nối với học sinh, làm một cuộc khảo sát ý kiến các em về định hướng chương trình sắp tới, đồng thời thông qua các kênh này tiếp nhận thông tin, phản hồi từ các nhà tuyển dụng để tổng hợp, cập nhật và tư vấn cho học sinh" - ông Đông góp ý.
Bình luận (0)