Những học sinh này là hậu quả của thời mà trong ngành giáo dục gọi là “chạy theo thành tích”. Giáo viên thường hài hước nói với nhau rằng với những học sinh này phải “nâng như nâng trứng” bởi từ chối dạy cũng không được mà cho ở lại lớp thì không dám, vì sợ mất thành tích.
Vấn đề đáng nói là hầu hết học sinh thuộc loại này dù các trường đã phải “nâng như nâng trứng” nhưng vì càng học càng đuối, càng chán nản nên kết cục là kiếm cớ để nghỉ học nửa chừng với lý do hợp lý nhất là hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương vì trách nhiệm và cũng vì thi đua nên phải bỏ tiền ra phổ cập, dù biết đó thực sự không phải là đối tượng thất học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Trong không ít hội đồng thi tốt nghiệp THCS có phòng dành cho các học sinh phổ cập với nhiều quy chế đặc biệt. Câu hỏi mà nhiều người vẫn đặt ra là vì sao số học sinh chính quy, học hành đàng hoàng mà việc thi cử vẫn rất chật vật thì số học sinh phổ cập này lại rất dễ “qua cầu”.
Câu trả lời rất đơn giản là vì sức ép từ phía thành tích phổ cập. Nếu để số học sinh này thi rớt thì sang năm lại phải bỏ chi phí thi lại và có thi mãi thì địa phương cứ tiếp tục tốn chi phí, chỉ tiêu phấn đấu không hoàn thành mà người thi thì vẫn... rớt.
Bởi vậy, từ đây đã nảy sinh vô vàn chiêu thức để giúp số học sinh này thi cử thuận buồm xuôi gió. Thậm chí có hội đồng thi còn cử một số giáo viên có nhiệm vụ “đặc biệt” coi thi và chấm bài cho số học sinh này. Những giáo viên lâu năm trong nghề, nhất là đội ngũ quản lý giáo dục ở các địa phương, vì thế hiểu rất rõ một bộ phận học sinh đã nhờ vào chương trình phổ cập để có bằng tốt nghiệp THCS dù trình độ thì còn rất xa mới đạt chuẩn.
Sau thời cao điểm phổ cập THCS, giáo viên THPT nhiều nơi lại đang áy náy với các chỉ tiêu phổ cập THPT mà nhiều địa phương đưa ra. Địa phương nào cũng muốn rút ngắn lộ trình phổ cập THPT như đã làm với phổ cập THCS.
Học trong trường THPT nhưng có những học sinh mà các giáo viên bộ môn phải bảo nhỏ với nhau là cho 5 điểm đi cho được việc chứ không lẽ bảo về học lại THCS? Nếu căng thẳng quá, rèn giũa quá thì lại nghỉ học nửa chừng, rồi lại sẽ được mời làm “thượng đế” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để các địa phương hoàn thành chỉ tiêu phổ cập.
Phổ cập đương nhiên là cần thiết nhưng phổ cập với một chất lượng thấp do “bệnh thành tích” thì không bao giờ đem lại một sự phát triển kinh tế - xã hội đúng nghĩa của mục tiêu tốt đẹp mà chương trình phổ cập hướng đến.
Trên thế giới, nhiều nước “vỗ ngực” tự hào đã phổ cập THPT từ thập niên 1970 nhưng đến nay vẫn thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới, năm nào Liên Hiệp Quốc cũng phải cứu đói; lại có những nước không hô hào phổ cập sôi nổi như nước ta nhưng vẫn xếp vào các nước giàu nhất thế giới. Ở các nước đó, họ rất nỗ lực để dạy cho dân chúng biết rằng muốn có việc làm thì phải học.
Bình luận (0)