Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022, ngày 17-8, Báo Người Lao Động đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Hạn cuối đăng ký xét tuyển: Có nên điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng?". Các chuyên gia tuyển sinh, đại diện tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) đã chia sẻ về những băn khoăn của thí sinh trước giờ đóng cổng đăng ký.
Đặt nguyện vọng sao cho đúng?
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết năm nay thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) bao gồm đăng ký lại các NV đã được xét trúng tuyển sớm tại trường và đăng ký mới các NV theo phương thức điểm thi tốt nghiệp. Tuy được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng NV nhưng khi xét tuyển lọc ảo chung tất cả phương thức, thí sinh chỉ được xét trúng tuyển 1 NV theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Như vậy, nếu thí sinh đã được xét trúng tuyển sớm tại trường thì dù đặt NV đã được xét trúng tuyển sớm tại trường ở thứ tự thấp, nếu trượt tất cả NV ở trên thì thí sinh vẫn được xét trúng tuyển chính thức vào NV đã được xét trúng tuyển sớm.
ThS Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết theo Quy chế tuyển sinh, thí sinh không bị hạn chế số lượng NV đăng ký xét tuyển và chỉ trúng tuyển vào 1 NV ưu tiên cao nhất có thể, trong danh sách các NV đã đăng ký. Vì vậy, thí sinh thích ngành học nào nhất của một trường nào đó thì phải sắp xếp NV này ở ưu tiên cao nhất, trước nhất, cao hơn các NV còn lại. Với mức điểm đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh hãy mạnh dạn đăng ký NV vào ngành có điểm chuẩn cao trong những năm gần đây, sau đó thí sinh đăng ký tiếp NV vào ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn để tăng cơ hội trúng tuyển.
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý thí sinh nếu muốn trúng tuyển ngay thì đăng ký NV đã đủ điều kiện trúng tuyển mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm như đánh giá năng lực, xét điểm học bạ, ưu tiên xét tuyển... vào NV1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không cần thêm NV nào nữa; nếu có nhiều chọn lựa dựa vào điểm THPT thì để NV yêu thích nhất lên NV1 và sắp xếp các NV khác theo thứ tự giảm dần. Thí sinh điền NV đủ điều kiện trúng tuyển của các phương thức khác vào NV cuối cùng để bảo đảm chắc chắn trúng tuyển.
Đại diện các trường đại học tham dự chương trình trao đổi về Quy chế tuyển sinh 2022. Ảnh HOÀNG TRIỀU
Học phí tác động đến chọn ngành
Năm 2022, có khoảng 30 trường ĐH tăng học phí ở mức biến động đáng kể nên nhiều thí sinh băn khoăn giữa học phí và ngành muốn học. Chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan học phí.
ThS Nguyễn Mai Bình, phụ trách Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, cho biết học phí ở trường không làm khó người học. Chẳng hạn học phí ngành luật là 800.000 đồng/tín chỉ, một khóa học trình độ ĐH ngành luật, sinh viên phải học tối thiểu 120 tín chỉ. Với việc học tín chỉ, sinh viên có thể rút ngắn thời gian học còn 3 năm.
Giải đáp chương trình chất lượng cao và chương trình đại trà của Trường ĐH Ngân hàng, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết chương trình ĐH chính quy chuẩn có mức học phí khoảng 11,5 triệu đồng/năm, sinh viên sẽ học ở TP Thủ Đức. Chương trình ĐH chính quy chất lượng cao có mức học phí khoảng 36 triệu đồng/năm, sinh viên học ở TP Thủ Đức. Sinh viên có nhu cầu học ở cơ sở quận 1 sẽ đăng ký để nhà trường cân đối và bố trí.
TS Lê Trung Đạo cho biết học phí của Trường ĐH Tài chính - Marketing năm 2022 chỉ tăng nhẹ 2% so với năm 2021. Cụ thể, chương trình chuẩn: 19,5 triệu đồng/năm; chương trình đặc thù: 22,5 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao: 36,3 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần: 55 triệu đồng/năm.
Thay đổi nguyện vọng rất quan trọng
Lưu ý về thay đổi NV, ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, lưu ý việc thay đổi NV so với dự định là việc quan trọng và cần chuẩn bị kỹ để tránh sai sót. Nên tìm hiểu kỹ về ngành mà thí sinh muốn đặt NV như: tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn qua các năm, chương trình đào tạo, học phí, cơ hội việc làm, ký túc xá (nếu có), các hoạt động hỗ trợ người học (học bổng, hỗ trợ việc làm, chính sách...).
Bình luận (0)