Khóa tập huấn dành cho các giáo viên tiểu học dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học đã kết thúc. Như thừa nhận của bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, việc tập huấn muộn màng này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc học tập của học sinh. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo lắng hơn chính là sự bất nhất của những người có trách nhiệm trong dự án này.
Sử dụng nhiều bộ sách?
Theo bà Thắm, với đề án dạy ngoại ngữ 10 năm (giai đoạn 2008-2020), bộ đặt chỉ tiêu năm 2010 có 20% học sinh lớp 3 trên toàn quốc sẽ được giảng dạy tiếng Anh theo chương trình mới, được xây dựng liên thông từ lớp 3 đến lớp 12. Tuy nhiên, qua các cuộc làm việc của ban chỉ đạo đề án này, các thành viên đều nhận thấy cần có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Do vậy, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm học 2010-2011, sẽ chỉ thí điểm tại 100 trường tiểu học trên toàn quốc chứ chưa triển khai rộng tới 20% học sinh lớp 3.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Thường trực đề án tăng cường tiếng Anh của Bộ GD-ĐT, cho biết đây là chương trình dạy thí điểm nên sẽ rút kinh nghiệm từng giai đoạn một xem có đạt được mục tiêu hay không. Bộ cho phép các địa phương sử dụng nhiều bộ sách khác nhau nên các địa phương có quyền lựa chọn các bộ giáo trình sao cho phù hợp với mục tiêu chương trình.
Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều giáo viên cho chúng tôi biết họ rất băn khoăn và muốn được dạy theo một bộ sách thống nhất. Ông Hùng khẳng định chương trình tiếng Anh thí điểm không phải là chương trình quá mới. “Chương trình này là những chương trình tương đối chung với những chương trình chúng ta đã soạn thảo trước đây, cũng theo những bậc như Starter, Movers, Flyers... Chúng ta không sáng tạo chuẩn mới của thế giới mà chỉ cụ thể hóa nó vào các lớp học, cấp học ở đây sao cho nội dung mang tính Việt Nam, mang tính dân tộc và hội nhập”- ông Hùng cho biết thêm.
Bảo đảm tính khoa học
Đề án dạy ngoại ngữ 10 năm (giai đoạn 2008-2020) là một đề án lớn, kinh phí lên đến 9.738 tỉ đồng. Nếu theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, kinh phí không phải sử dụng cho việc biên soạn và in ấn sách giáo khoa mới mà chỉ dùng những chương trình đã có sẵn, vậy thì liệu nguồn kinh phí khổng lồ này được dùng vào những việc gì?
Bà Thắm thì lại cho biết yêu cầu của đề án là phải bảo đảm tính khoa học và liên thông từ lớp 3 đến lớp 12 để bảo đảm mục tiêu chương trình. Việc biên soạn tài liệu đã được tiến hành cẩn thận và Hội đồng Thẩm định sách tiếng Anh làm việc rất vất vả. Chương trình và sách tiếng Anh chắc chắn sẽ có sớm để triển khai tới các trường, không có chuyện dùng nhiều bộ sách khác nhau.
Nhu cầu cao hơn dự kiến?
Ông Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, Phó trưởng Ban Điều hành đề án 10 năm tăng cường dạy ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT, cho biết dự kiến ban đầu chỉ thí điểm ở 100 trường tiểu học nhưng hiện tại nhu cầu được thí điểm cao hơn, bộ sẽ chốt danh sách sau khi phân tích kỹ kết quả khảo sát năng lực của các trường. Có nghĩa là đến thời điểm này, có 100 hay hơn 100 trường tiểu học thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 vẫn còn là câu hỏi. |
Bình luận (0)