. Thống kê: Tính đến đầu tháng 12-2002, tổng số văn bằng sau ĐH do Bộ GD-ĐT đã cấp gồm: 38 bằng tiến sĩ khoa học (giai đoạn trước năm 1998), 4.278 bằng phó tiến sĩ (giai đoạn trước năm 1998), 2.025 bằng tiến sĩ (từ năm 1999) và 23.400 bằng thạc sĩ.
25 năm: Từ không đến có 144 cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.- Nếu như 25 năm trước đây, VN phải gửi người ra nước ngoài đào tạo bậc sau ĐH, thì đến nay cả nước đã có tất cả 144 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ - tiến sĩ. Trong số đó, có 77 trường ĐH và 67 viện nghiên cứu. Quy mô tuyển sinh hàng năm thời gian gần đây vào khoảng 7.000 - 9.000 thạc sĩ và khoảng 1.000 tiến sĩ. Không chỉ đào tạo trong nước, nhiều chương trình liên kết hợp tác quốc tế đào tạo sau ĐH cũng đã phát triển. Giai đoạn 1990 - 1996, có 7 chương trình hợp tác đào tạo quốc tế, chủ yếu là đào tạo quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính. Giai đoạn sau này, đào tạo sau ĐH thông qua hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo phát triển lên đến 30 chương trình với nhiều chuyên ngành khác nhau. Ngoài ra, còn có khoảng 1.000 người gửi đi đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (từ năm 2000) và bằng các con đường hợp tác, hiệp định, gồm thực tập sinh khoa học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Chương trình khung đào tạo thạc sĩ chưa xây dựng xong, nhưng bằng cấp vẫn phát hành... ào ạt!.- Sự nỗ lực hình thành cho được hệ đào tạo sau ĐH cho nền giáo dục VN được xem là một cố gắng lớn của các nhà quản lý giáo dục cấp bộ. Tuy nhiên, quãng thời gian 25 năm để phát triển cũng đã quá đủ cho các nhà quản lý giáo dục phải hoàn chỉnh cho được một cơ chế quản lý và nội dung đào tạo sau ĐH khoa học hơn, hoàn chỉnh hơn, để khỏi phải nói lời “hối tiếc” khi phát hành các loại văn bằng thạc sĩ - tiến sĩ. Thế nhưng, sau khi kiểm tra qua một số cơ sở đào tạo sau ĐH, Vụ Sau ĐH đã phải thừa nhận những tồn tại thuộc loại khá “cơ bản” như sau:
Một số cơ sở chưa xây dựng kế hoạch đào tạo cho toàn khóa học cũng như cho từng học kỳ. Việc quản lý quá trình học tập và nghiên cứu khoa học của học viên, đặc biệt là nghiên cứu sinh còn lỏng lẻo. Rất nhiều giáo viên hướng dẫn và nghiên cứu sinh chưa xây dựng kế hoạch nghiên cứu cũng như chưa thường xuyên báo cáo tiến độ nghiên cứu nên phần lớn không hoàn thành đúng thời hạn quy định. Đa số các cơ sở chưa hoàn thành việc xây dựng chương trình khung đào tạo thạc sĩ. Việc đánh giá môn học theo quy chế chưa được các cơ sở thực hiện nghiêm túc. Việc bố trí người hướng dẫn học viên cao học làm luận văn ở một vài cơ sở chưa thực hiện đúng quy chế. Giảng viên được giao hướng dẫn số lượng học viên cao học nhiều hơn quy định, có cơ sở phân công thạc sĩ hướng dẫn học viên cao học làm luận văn thạc sĩ; có nơi đã cử người có học vị thạc sĩ vào hội đồng chấm luận văn thạc sĩ.
. Hiện đang còn thiếu những cơ chế, động lực đủ mạnh để thực hiện việc tăng cường sự liên kết giữa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường ĐH với sản xuất và xã hội, gắn trường ĐH với các viện nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp, các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất và các vùng kinh tế trọng điểm. . Hiện nay chương trình giảng dạy thạc sĩ quá nặng, thời gian lên lớp quá nhiều. Cần rà soát lại chương trình đào tạo các chuyên ngành, giảm thiểu số môn, xác định các môn lựa chọn định hướng chuyên sâu rõ ràng. Loại bỏ những môn, những học phần trùng lặp kiến thức ĐH. . Do nhiều mối quan hệ khác nhau (với nghiên cứu sinh, người hướng dẫn) nên trong buổi bảo vệ luận án cấp Nhà nước, một số thành viên không thể hiện đúng quan điểm khoa học của mình mà cho qua, mặc dù đã chấm, đã cho điểm xong vẫn cảm thấy không hài lòng, hậu quả là các thầy lại mâu thuẫn với chính mình. Khi chấm luận án tiến sĩ, các thành viên hội đồng thường đánh giá rất cao, nhưng vẫn chê chất lượng đào tạo tiến sĩ là thấp. Đã đến lúc phải xây dựng tiêu chuẩn định lượng trong đánh giá luận án. . Nhà nước phải có chính sách đầu tư thỏa đáng, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với người thành công đỗ đạt.
Những thách thức trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
1.300 USD có bằng 50.000 USD?.- Nếu trách vai trò của Bộ GD- ĐT trong việc hoàn chỉnh và nâng chất hệ đào tạo sau ĐH của nước nhà, thì cũng phải nhìn nhận một thực tế: Kinh phí cho đào tạo sau ĐH rất thấp. Định mức kinh phí không thay đổi từ năm 1994 là 5,5 triệu đồng/nghiên cứu sinh/năm và 4 triệu đồng/học viên cao học/năm. Số kinh phí theo định mức ít ỏi này trong mấy năm qua đều không được cấp đủ, đặc biệt là thiếu kinh phí cho đào tạo nghiên cứu sinh.
Thật khó hiểu khi kinh phí đào tạo cho cùng một cấp độ đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ trong nước và ngoài nước chênh nhau đến độ đáng kinh ngạc: Kinh phí Nhà nước cấp cho đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài theo đề án 322 là khoảng 50.000 USD (tính bình quân), trong khi đó cho đào tạo một tiến sĩ ở trong nước chỉ khoảng 1.300 USD, bằng 2,6% chi phí đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài. Và dĩ nhiên, chuyện gì đến đã phải đến: Hiện nay phần lớn các cơ sở đào tạo sau ĐH đều nằm trong tình trạng phòng thí nghiệm quá cũ kỹ, vật liệu phục vụ thí nghiệm thiếu do không đủ kinh phí để mua, thư viện thiếu các sách, tạp chí mới... Vụ Sau ĐH đã phải than thở: “Sự chênh lệch quá xa về đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong nước là điều không tránh khỏi”. Nhưng, “ảnh hưởng chất lượng” đến đâu so với quốc tế? Chưa có lời giải đáp nào từ phía các cơ quan chức năng!
Chuyện quản lý Nhà nước đã vậy, chuyện của các thí sinh cũng đáng phải bàn: Theo báo cáo của đoàn thanh tra thi, trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH năm 2002, tổng số thí sinh vi phạm quy chế thi phải xử lý kỷ luật là 140 trường hợp. Các cử nhân này ắt hẳn chỉ mong đi kiếm cái bằng hơn là tri thức thật sự!
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục báo cáo thành tích: Những người được đào tạo sau ĐH ở trong nước cùng với những người được đào tạo ở nước ngoài đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong công tác quản lý, chỉ đạo và hoạch định chính sách ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; trong công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường ĐH, viện nghiên cứu; trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp.
Bao nhiêu người trong số cán bộ khoa học kỹ thuật cấp cao này có trình độ thật sự đáp ứng đuợc yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội? Và câu trả lời của các nhà quản lý giáo dục là: Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến đánh giá về chất lượng và quy mô đào tạo sau ĐH ở trong nước như sau: Chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; chưa hòa nhập với các nước trong khu vực; quy mô đào tạo còn nhỏ, còn mất cân đối... Đó là những yêu cầu và thách thức lớn đối với đào tạo sau ĐH trong nước giai đoạn tới!
Bình luận (0)