Sáng đến trường, mở trang mạng nội bộ của ngành ra, ôi thôi, “kính thưa các loại văn bản”: chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị, phòng chống tệ nạn, các hội thi, cuộc thi… Trung bình, mỗi ngày chúng tôi phải tải xuống, đọc và xử lý 4 - 5 văn bản. Có những loại văn bản bắt buộc phải nộp, gửi sớm, trong khi các mục, số liệu, yêu cầu trình bày lại nhiều, cụ thể. Chúng tôi phải gồng mình, căng mắt lên soạn thảo, đánh vi tính để gửi đi đúng hạn.
Nhiều cán bộ quản lý các trường từng phàn nàn với cấp sở, cấp phòng giáo dục về tình trạng sao lại có nhiều loại kế hoạch, báo cáo phải làm như thế. Có người nói rất đúng: nhà trường bây giờ như cái túi chứa của xã hội, có quá nhiều thứ phải kính gửi, báo cáo… Mới đây, chúng tôi làm báo cáo có cả nội dung buôn bán người. Chúng tôi từng báo cáo những nội dung, kế hoạch mà chẳng liên quan đến giáo dục, chẳng biết để làm gì!?
Báo cáo, kế hoạch, quyết định, hồ sơ, sổ sách quá nhiều đã khiến chúng tôi không còn thời gian để chuyên sâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra về chuyên môn và các hoạt động giáo dục để nâng cao chất lượng cho giáo viên, học sinh. Được Sở GD-ĐT cử đi kiểm tra hồ sơ của ban giám hiệu một số trường trong thời gian gần đây, thú thật, tôi khiếp đảm trước những chồng hồ sơ đồ sộ của họ. Báo cáo, kế hoạch nhiều như vậy thì hồ sơ, sổ sách sao ít đi được? Quy định hồ sơ, sổ sách theo Điều lệ trường phổ thông thì không nhiều nhưng trên thực tế thì phát sinh vô kể.
Để công nhận trường chuẩn quốc gia; kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của Cục Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT, bộ hồ sơ, sổ sách của nó còn khủng khiếp hơn nữa. Đến gần thời điểm kiểm tra, thẩm định, nhà trường huy động hàng chục giáo viên, bộ phận làm việc đêm ngày nhằm hoàn thành thật tốt, thật đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ, minh chứng.
Từ năm 2013, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính ở các lĩnh vực, trong đó giảm bớt các loại hồ sơ, sổ sách, giấy tờ không cần thiết. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục, tình hình vẫn giậm chân tại chỗ, ít chuyển biến. Hồ sơ, sổ sách, báo cáo, kế hoạch… tiếp tục “hành hạ” các cơ sở giáo dục và cán bộ quản lý giáo dục. Điều đáng nói là việc ngày đêm làm báo cáo lại không tỉ lệ thuận với chuyển biến của đạo đức học sinh, chất lượng dạy và học hiện nay.
Bình luận (0)