Ngày 16-4, Uy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe và cho ý kiến về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH” của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ QH (đoàn giám sát).
Nâng chất lượng giáo dục là vấn đề cấp thiết hiện nay. Ảnh: Hồng Thúy
Theo báo cáo của đoàn giám sát, từ năm 2005 đến năm 2009, cả nước có 200 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cho biết quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Hiện còn khoảng 20% số trường mới thành lập, nâng cấp phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo. Thậm chí có trường thành lập 10 năm vẫn chưa có cơ sở riêng.
Kết quả của đoàn giám sát cho thấy từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên (SV) cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên (GV) chỉ tăng 3 lần, tỉ lệ SV/GV quá cao so với quy định (28 SV/GV). Ở một số trường, tỉ lệ này còn lên tới 40 SV/GV. Các trường ngoài công lập, số GV cơ hữu thường thấp hơn số GV thỉnh giảng.
Nhiều GV dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi chuẩn quy định là 260 tiết/năm. Cụ thể, tại Trường ĐH Dân lập Đông Đô chỉ có trên 50 GV cơ hữu mà mở tới 15 ngành đào tạo. Thiếu GV đã đành, chất lượng đào tạo cũng còn thấp: trong tổng số 61.190 GV ĐH, CĐ, mới có 6.217 tiến sĩ (10,16%), 22.831 thạc sĩ (37,31%) và 2.286 giáo sư, phó giáo sư (3,74%); trong khi mục tiêu trong quy hoạch mạng lưới các trường hợp ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2010 đặt ra là đến năm 2015 phải có ít nhất 50% GV trình độ tiến sĩ ở bậc ĐH.
Bên cạnh đó, theo ông Thi, chất lượng đầu vào của các trường cũng có vấn đề. Phần lớn các trường ngoài công lập, trường “quốc tế” đều tuyển sinh với điểm chuẩn sát điểm sàn. Thậm chí, điểm chuẩn của các trường CĐ còn thấp hơn. Trong năm học 2008-2009, có khoảng 900.000 SV không chính quy, chiếm hơn 50% tổng số SV ĐH, CĐ.
Vừa yếu vừa chậm
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Báo cáo giám sát về chất lượng ĐH vẫn còn mờ nhạt. Trong khi mục tiêu của giáo dục đào tạo là chất lượng, những yếu tố khác chỉ là điều kiện để bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo”.
Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng báo cáo của đoàn giám sát chưa nói rõ chất lượng đào tạo sau ĐH. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dẫn chứng có người học thạc sĩ trường quốc tế tại VN nhưng tất cả các buổi học đều phải cần phiên dịch. Giáo sư - viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường QH, nhận xét: “Chất lượng đầu vào thấp còn do nguyên nhân “sính” bằng cấp hoặc được “gửi gắm”, dẫn đến tuyển dụng cán bộ kém chất lượng, chiếm chỗ người có năng lực”.
Các đại biểu QH mổ xẻ nguyên nhân thiếu quy hoạch giáo dục ĐH, CĐ. Giáo dục phải căn cứ vào nhu cầu xã hội, trình độ của từng tỉnh, từng vùng. Không thể chạy theo phong trào “mỗi tỉnh phải có ít nhất một trường ĐH”. Ngoài ra, cần có hậu kiểm, đánh giá chất lượng giáo dục ĐH một cách nghiêm túc, khoa học và phù hợp với xu thế phát triển. Mặt khác, cần có cơ quan chuyên trách về giáo dục ĐH có thể là cấp tổng cục, thậm chí là cấp bộ.
Cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: “Báo cáo của đoàn giám sát sâu sắc và rộng nhất về chất lượng giáo dục ĐH kể từ trước đến nay. Trong quản lý chất lượng ĐH ở cấp vĩ mô, trong thời gian dài chưa có tiếp thu kinh nghiệm, sự phát triển của các nước. Mục tiêu của giáo dục ĐH là phải căn cứ vào nhu cầu của người sử dụng lao động. Ở VN phải đến năm 2008 mới thực hiện việc công bố kết quả đầu ra.
Đây là vấn đề lạc hậu về nhận thức và phương thức . Hay việc thành lập Cục Khảo thí, chậm 100 năm so với thế giới...”. Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận cần chuẩn hóa đầu vào, đầu ra của đào tạo giáo dục ĐH. Để làm được việc này cần có giám sát mạnh từ nhiều phía và lấy thực tiễn để đo chất lượng.
|
Bình luận (0)