xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo động thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp

Yến Anh

Cả nước hiện có trên 72.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp, điều này gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội

Con số trên vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng Tổng cục Thống kê công bố khiến xã hội phải giật mình.

Thất nghiệp ngày càng nhiều

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Ở nhóm lao động có trình độ CĐ nghề, tỉ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ 2012 (tương đương 8.300 người), tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ CĐ là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người). Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ ĐH trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Như vậy, cả nước hiện có khoảng 72.000 lao động có trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ đang thất nghiệp.

Cử nhân sư phạm Nguyễn Kim Tiền sau khi ra trường không xin được việc làm phải đi chạy bàn cho quán cà phê ở An Giang  Ảnh: Thanh Vân
Cử nhân sư phạm Nguyễn Kim Tiền sau khi ra trường không xin được việc làm phải đi chạy bàn cho quán cà phê ở An Giang Ảnh: Thanh Vân

Cũng theo thống kê mới nhất, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp CĐ và ĐH trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỉ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%. Tỉ lệ này ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp đáng báo động của hàng chục ngàn thạc sĩ, cử nhân, ông Cao Văn Sâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng có tới có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đáng buồn này. Thứ nhất, do dự báo nhu cầu việc làm chưa chính xác. Thứ hai, cơ cấu đào tạo chưa căn cứ vào nhu cầu thực tiễn. Thứ ba, do người học chưa có đầy đủ thông tin khi chọn ngành học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Thứ tư, cơ cấu trình độ đào tạo ĐH chưa thích hợp với cơ cấu nhu cầu lao động và cuối cùng là do nhiều người học theo phong trào mà chưa có trang bị về nhu cầu thị trường.

“Cái chết” được báo trước

10 năm trước, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XI năm 2004, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thất nghiệp của các cử nhân. Theo tính toán của các chuyên gia, với thị trường lao động kém như Việt Nam thì mỗi năm chỉ cần đào tạo khoảng 13.000 - 15.000 cán bộ là đủ, trong khi đó, mỗi năm các trường ĐH, CĐ trong cả nước cho “ra lò” trên 200.000 người. Đó là năm 2004, còn đến thời điểm năm 2014 thì số trường ĐH, CĐ cũng như số sinh viên ra trường mỗi năm đã gấp đôi con số năm 2004.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đánh giá việc mỗi năm các trường ĐH, CĐ cho “ra lò” đến 400.000 người trong khi nhu cầu lao động rất thấp thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề, làm lao động chân tay, thậm chí nói như GS Nguyễn Lân Dũng, “cử nhân đi tiếp thị mì tôm” là chuyện dễ hiểu. GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin thêm: thống kê trước đây của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy hằng năm chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm và trong số tìm được việc, chỉ có 30% tìm được việc đúng ngành nghề. Con số này cho thấy sự lãng phí rất lớn. “Người đi học lãng phí tiền, lãng phí 4 năm học mà không để làm gì thì thà sau tốt nghiệp THPT học luôn trường nghề còn tốt hơn” - GS Thuyết nói.

Bộ GD-ĐT thiếu định hướng

PGS-TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT), thừa nhận bên cạnh nguyên nhân chính do kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân công, dư thừa lao động thì việc đào tạo tràn lan, không gắn với sử dụng nhân lực đã dẫn đến hậu quả nặng nề là tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày một tăng cao. Ông Sơn cũng thừa nhận đến thời điểm này, ngành GD-ĐT chưa có điều kiện để khảo sát tổng thể trên phạm vi cả nước để biết ngành nào thừa, ngành nào thiếu nhằm định hướng cho các trường đào tạo. “Đây là việc rất khó vì phải có các điều kiện và nguồn lực, nhất là đội ngũ thực thi và kinh phí chi cho khảo sát điều tra. Những năm qua đã có một số cơ quan nghiên cứu giáo dục, cơ sở đào tạo tiến hành khảo sát nhưng chỉ trên phạm vi hẹp với số ngành chủ yếu” - ông Sơn nói.

Nhìn thẳng vào thực tế, GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích: “Chính tình trạng nâng cấp hàng loạt trường lên ĐH trong thời gian ngắn đã khiến chất lượng đào tạo giảm sút. Khi một trường CĐ lâu năm nâng cấp lên ĐH thì có nghĩa chúng ta mất đi một trường CĐ tốt và có thêm một trường ĐH yếu. Như thế thì chất lượng không thể bảo đảm, loại lao động đang thiếu và cần thì ta không đào tạo mà lại đào tạo ra những cử nhân xã hội chưa có nhu cầu”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Sơn cho hay các trường mới thành lập hoặc mới được nâng cấp lên ĐH do chưa đủ nguồn lực, đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp nên chất lượng sản phẩm đào tạo thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Bằng chứng là theo đánh giá của các tổ chức lao động quốc tế và người sử dụng lao động trong nước, chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, nhiều sinh viên tốt nghiệp khi được tuyển dụng phải qua đào tạo lại từ 3-6 tháng mới làm được việc.

Không đào tạo theo nhu cầu: Sẽ “chết”!

Vài năm gần đây, chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội đã được Bộ GD-ĐT đẩy mạnh theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng đào tạo tự phát, vừa thừa vừa thiếu nhân lực ở các ngành nghề, vùng miền. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng do nhiều nguyên nhân nên giải pháp này đến nay các trường chưa thực hiện được hoặc thực hiện rất chậm. Đến thời điểm này mới chỉ có các trường y gắn đào tạo với thực hành ở bệnh viện chứ chưa ngành nào làm được việc này, kể cả ngành sư phạm.

Một chuyên gia giáo dục phân tích muốn thực hiện được điều này, trước hết phải có phương pháp điều tra, dự báo đúng để đánh giá đúng nhu cầu xã hội, thêm vào đó phải thiết lập được liên kết giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động thì sinh viên đào tạo ra mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, một phần vì các trường chưa năng động, phần khác do tâm lý chung của các doanh nghiệp không muốn dính vào câu chuyện này bởi sợ mất thời gian, kinh phí…

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng vì lợi ích lâu dài, các doanh nghiệp phải tham gia vào sự nghiệp đào tạo với các trường. Về phía ngành GD-ĐT, phải gấp rút thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội mà Chính phủ đã chỉ đạo, nếu không cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp sẽ không dừng lại ở con số 72.000.

Không thụ động nộp đơn xin việc

Để khắc phục tình trạng cử nhân thất nghiệp dài dài, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng trước hết phải phát triển kinh tế. Kinh tế mạnh thì mới có chỗ làm việc cho mọi người. Thứ hai là phải hạn chế việc mở trường. Về phía các trường, phải cải thiện điều kiện đào tạo, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn.

GS Thuyết cũng nhấn mạnh đến sự năng động, tự thân sáng nghiệp của các cử nhân, không chỉ thụ động mang đơn đi xin việc mà cần tự sản xuất, kinh doanh riêng. L.Anh

 

Đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh

Theo PGS -TS Phạm Văn Sơn, nhu cầu nhân lực của nước ta đã được dự báo trong quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Theo các thông tin cập nhật và qua thực tiễn làm quy hoạch nhân lực, dự báo trong 5 năm tới nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật công nghệ sẽ tăng lên, nhất là nhân lực kỹ thuật cho các khu kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp, các vùng mà nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế.

 

Cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp để hạn chế tình trạng cử nhân thất nghiệp. Trong ảnh: Em Phạm Thị Nguyệt (ngụ huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tốt nghiệp ĐH nhưng không xin được việc làm, phải phụ làm nhang với gia đình Ảnh: Tử Trực
Cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp để hạn chế tình trạng cử nhân thất nghiệp. Trong ảnh: Em Phạm Thị Nguyệt (ngụ huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tốt nghiệp ĐH nhưng không xin được việc làm, phải phụ làm nhang với gia đình Ảnh: Tử Trực

 

Để chủ động tạo được nguồn tuyển sinh đào tạo ngành đang và sẽ có xu hướng thiếu hụt nhân lực như kỹ thuật công nghệ, các ngành lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngành khai thác kinh tế biển, một số ngành dịch vụ có điều kiện khó khăn, ông Sơn đề nghị nhà nước nhanh chóng có chính sách và cơ chế hợp lý để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học vào các ngành xã hội đang và sẽ có nhu cầu lớn. V.Sơn

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo