“Gần đây, hành vi bạo lực học đường xảy ra khá nhiều. Khi xem clip tại Trà Vinh, chúng con rất hoang mang, ngay cả trường con cũng có bạo lực học đường. Chúng con rất lo sợ, vì vậy các cô chú phải có biện pháp mạnh hơn để răn đe” - phát biểu của em Trần Nguyễn Thụy Khanh, học sinh (HS) Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cũng là băn khoăn của nhiều HS tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM lần 7-2015.
Lãnh đạo ngỡ ngàng với thực tế
Sau khi nghe ý kiến của em Thụy Khanh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, hỏi lại: “Con nói bạo lực học đường xảy ra nhiều nhưng sao nêu trường hợp ở Trà Vinh, có dẫn chứng ở TP HCM không?”. Thụy Khanh liền trả lời: “Mới hôm qua (24-3 - PV), một số bạn ở trường con đã dùng dao lam đánh nhau”. Dẫn chứng này khiến những người có mặt tại hội trường ngỡ ngàng.
Ngoài bạo lực học đường, nhiều HS cho rằng chương trình học hiện nay quá nặng, thiếu thực hành nhưng thừa lý thuyết. HS Đào Anh Sơn, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức), nêu thực trạng: “Lên lớp ngày nào chúng em cũng phải chép quá nhiều bài. Không hiểu sao bài tập đã có trong sách, giáo viên còn bắt HS chép ra vở 2-3 lần?”. HS Nguyễn Võ Minh Hiếu, Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), đặt vấn đề ngoại ngữ rất cần thiết nhưng do thiếu thực hành nên HS ngại giao tiếp với người nước ngoài. Trong khi đó, chương trình lại nặng về ngữ pháp. Vì vậy, mong có một giải pháp tích cực trong giảng dạy môn học này. HS Nguyễn Nhật Vy, Trường THPT Thủ Đức, cho rằng trong khi chương trình học quá nặng về lý thuyết, HS lại không được đào tạo kỹ năng làm việc theo nhóm. Gần đây, Bộ GD-ĐT lại thay đổi quy chế thi cử khiến HS rất hoang mang.
Học sinh đề xuất giải pháp
Nhiều HS không ngần ngại đề xuất với lãnh đạo ngành giáo dục TP nhiều giải pháp để tháo gỡ, cải thiện những vấn đề khiến các em bức xúc.
Một sinh viên đến từ Trường CĐ Kinh tế TP HCM cho biết chương trình môn tiếng Anh lặp đi lặp lại về văn phạm. Sách giáo khoa có phần nghe, nói, đọc, viết nhưng HS không được luyện tập. Bên cạnh đó, các kỳ kiểm tra đều làm trắc nghiệm. Vì vậy, cần cải cách sớm để môn học này mang lại hiệu quả thật sự cho HS.
HS Thái Vân, Trường THPT Phú Nhuận, đề xuất: “Ở một số môn nên thay đổi hình thức kiểm tra 15 phút bằng thuyết trình trước lớp theo nhóm. Hình thức này giúp HS có kỹ năng làm việc nhóm. Qua tranh luận, thảo luận giúp chúng em tự tin, năng động hơn”. HS Phương Thảo, Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức), chia sẻ: “Mạng xã hội đang rất phổ biến và thu hút HS, trong khi ở lứa tuổi này, tâm sinh lý thay đổi rất nhiều, nhiều bạn ngại tâm sự với bố mẹ, thầy cô. Nên chăng, ngành GD-ĐT lập một trang mạng để tư vấn tâm lý, giải tỏa ức chế cho HS. Mạng xã hội này còn để tư vấn ngành nghề cho HS trong tương lai”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sẽ cho kiểm tra lại những vấn đề mà HS phản ánh, đồng thời nhấn mạnh HS cần tháo gỡ mâu thuẫn để tránh bạo lực học đường. Hiện nay, chương trình học ở cấp THCS là vừa sức HS. Việc truyền tải nặng hay nhẹ là phụ thuộc vào giáo viên vì không phải dạy tất cả mà được lựa chọn những vấn đề phù hợp. Vấn đề này sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo để cải thiện.
Ông Hiếu cho biết thêm sở sẽ chỉ đạo giáo viên xây dựng giáo án theo hướng mở để HS dễ học, tận dụng công nghệ thông tin, đồng thời HS cũng được đóng góp, xây dựng, cập nhật kiến thức cho giáo án.
Muốn làm giáo viên phải có tiền?
HS Nguyễn Thị Bích Vy, Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình, bày tỏ: “Em muốn thi vào trường sư phạm nhưng khi nói ra ước mơ này, ai cũng bảo có tiền không mà học, có quen biết lãnh đạo mới xin được việc. Em mong ban giám đốc sở giải tỏa để em vững tâm với ước mơ của mình”.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết lâu nay, việc đăng ký tuyển dụng công chức, viên chức, cụ thể là giáo viên, đã được thực hiện qua mạng. Các tiêu chuẩn xét tuyển cũng công khai và có cả một hội đồng xét tuyển minh bạch. Các em cần cẩn thận trong thẩm định thông tin, tránh bị những đối tượng xấu tác động.
Bình luận (0)