Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhấn mạnh các trường phổ thông phải chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh điền vào phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) đầy đủ và đúng các thông tin, đặc biệt là các thông tin về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bảo đảm độ chính xác của hồ sơ
Các trường cũng phải rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để bảo đảm độ chính xác của các thông tin thí sinh điền vào phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt là chế độ ưu tiên để được cộng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên; có những biện pháp tích cực giúp thí sinh có đủ các loại giấy chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích, điểm ưu tiên (nếu có); xem xét và quyết định điều kiện dự thi của thí sinh.
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT, các đơn vị ĐKDT chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc ĐKDT, như: nơi đón tiếp thí sinh đến đăng ký, máy ảnh, máy vi tính, phiếu ĐKDT, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, túi hồ sơ...
Theo quy định mới, thí sinh tự do dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được chọn địa điểm nộp hồ sơ ĐKDT tại một trong các đơn vị ĐKDT do các sở GD-ĐT quy định nhưng phải dự thi tại cụm thi cùng với thí sinh đang học tại trường phổ thông là đơn vị ĐKDT đó. Những thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển ĐH, CĐ được lựa chọn thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì và nộp hồ sơ ĐKDT tại địa điểm phù hợp với điều kiện của mình.
Trường hợp thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2015 thì phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp, trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ dự thi của các kỳ thi trước.
Công bố đề thi minh họa
Bộ GD-ĐT chiều 31-3 đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2015. Theo đó, đề thi được xây dựng trên cơ sở đáp ứng mục đích tổ chức thi; nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho hay đề thi đặt ra yêu cầu ở 2 mức độ cơ bản và nâng cao, tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Trong đó, tỉ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm, mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh.
Theo ông Trinh, đề thi các môn khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở. Về hình thức, đề thi môn ngữ văn có 2 phần: phần đọc hiểu và phần làm văn; trong đó, tỉ lệ điểm dành cho phần đọc hiểu chiếm khoảng 30% tổng số điểm. Đề thi các môn ngoại ngữ có 2 phần: viết và trắc nghiệm; trong đó, tỉ lệ điểm dành cho phần viết chiếm khoảng 20%.
Các đề thi minh họa, kèm theo đáp án được Bộ GD-ĐT đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ (tại địa chỉ http://moet.gov.vn) để giáo viên và học sinh tham khảo.
Sau ngày 30-4 không thay đổi cụm thi
Thời hạn nhận hồ sơ ĐKDT kéo dài từ ngày 1 đến 30-4. Các đơn vị ĐKDT sẽ thu hồ sơ gồm: 2 phiếu ĐKDT, bản photocopy 2 mặt CMND trên 1 mặt giấy A4, 2 ảnh 4x6 và một bì thư ghi rõ họ tên, địa chỉ nhận của thí sinh để trong túi đựng hồ sơ theo mẫu của Bộ GD-ĐT.
Sau khi nhập xong dữ liệu của thí sinh, các cán bộ phụ trách máy tính in danh sách ĐKDT theo mẫu quy định trong phần mềm quản lý thi, đồng thời giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.
Sau ngày 30-4, thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký.
Bình luận (0)