xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bất lực nhìn trẻ chết đuối

YẾN ANH – NGỌC DUNG

Với hàng loạt vụ trẻ chết đuối thương tâm, Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới. Song chương trình giáo dục phổ thông vẫn chưa có nội dung dạy kỹ năng bơi lội

Cách đây 2 năm, vào tháng 2-2010, dư luận đã rất phấn khởi khi Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Trong đó, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5.

Học bơi trên giấy

Ông Phùng Khắc Bình, khi đó là vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên Bộ GD-ĐT, cho biết bộ yêu cầu các địa phương phải ý thức được việc dạy bơi là một trong những giải pháp hữu hiệu để hạn chế chết đuối ở học sinh. Giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra là tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương, các sở GD-ĐT báo cáo kế hoạch với lãnh đạo tỉnh, TP để đưa ra lộ trình chi tiết trong việc tổ chức triển khai thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học đạt hiệu quả cao nhất.

Mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là chậm nhất đến năm học 2014-2015, các sở GD-ĐT thực hiện được mô hình dạy bơi thí điểm. Trước tiên, tổ chức thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi; sau đó, nhân rộng theo cụm trường và hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học.

Tham vọng của Bộ GD-ĐT rất lớn nhưng cho đến thời điểm này, sau 2 năm triển khai, vẫn chưa có một báo cáo đánh giá nào về chương trình, thậm chí rất nhiều trường không có kế hoạch triển khai. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên Bộ GD-ĐT, cho rằng sở dĩ chưa làm được việc này vì triển khai trong các trường rất khó khăn. Thực tế, dạy bơi trong nhà trường là việc không hề dễ dàng, chưa kể cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên dạy bơi không có. Trường nào cũng có giáo viên thể dục nhưng không phải ai cũng được đào tạo để dạy bơi cho học sinh.

img
Trẻ em rất dễ gặp nguy hiểm khi tắm sông, tắm biển mà không có người lớn giám sát. Ảnh: HỒNG ÁNH
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy - Hà Nội thẳng thắn: “Trường không thể triển khai chương trình vì không có điều kiện. Xây một bể bơi cần cả trăm triệu đồng, trong khi cơ sở vật chất nhà trường còn hạn chế. Kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động và bảo dưỡng bể bơi là quá sức không chỉ với trường chúng tôi mà còn ở các trường khác, địa phương khác. Bộ GD-ĐT cũng không thể hỗ trợ kinh phí cho các trường, bởi đó sẽ là một nguồn vốn khổng lồ”.

Bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, nhận xét kế hoạch không thể quá xa rời thực tế, dù ai cũng mong muốn ngăn ngừa tình trạng trẻ chết đuối. Theo bà Vân Anh, tất cả các trường ở quận Cầu Giấy đều chưa có bể bơi đã đành nhưng ngay cả toàn quận này cũng chỉ có một bể bơi công cộng phục vụ người dân. “Vậy thì làm sao có thể tính đến chuyện dạy bơi cho học sinh tiểu học?” – bà băn khoăn.

Lực bất tòng tâm

Lãnh đạo các trường tiểu học ở nhiều địa phương đều cho biết dạy bơi cho học sinh là điều mà trường nào cũng chờ đợi, thậm chí phụ huynh sẵn sàng đóng góp kinh phí để nhà trường có thể tổ chức việc dạy bơi cho các em. Tuy nhiên, rất nhiều trường không thể thực hiện được mong muốn này.

Tại Hà Nội, phương án đã được tính đến là đưa học sinh đến bể bơi học nhưng việc bố trí xe cộ, giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu của các em thế nào là cả vấn đề. Chính vì vậy mà đến nay, một TP lớn có điều kiện như Hà Nội vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn các phòng giáo dục quận, huyện thí điểm đưa môn bơi vào trường tiểu học.

Một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT thừa nhận dù yêu cầu của bộ trong năm học 2011-2012 là phải tích cực triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, đặc biệt là các mô hình thí điểm dạy bơi trong nhà trường nhưng lại chưa có quy định ràng buộc các trường phải tiến hành như thế nào nên rất khó thực hiện.

Theo ông Ngũ Duy Anh, Bộ GD-ĐT chỉ đạo như vậy nhưng các địa phương cho biết chưa có điều kiện thực hiện thì cũng đành chịu chứ không còn cách nào khác. Đề án phổ cập bơi trong nhà trường đã được Vụ Công tác học sinh - sinh viên báo cáo bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng chưa biết khi nào mới được triển khai. Bộ GD-ĐT thấy điều này rất cần kíp nhưng lực bất tòng tâm vì nó đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, mà nguồn kinh phí ấy lấy từ đâu ra thì chưa có câu trả lời.

Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó 50% do đuối nước.

Lãnh đạo nhiều trường học cho rằng để đưa việc dạy bơi vào nhà trường, cần có những cách làm thực tế. Chẳng hạn, trước mắt, có thể phối hợp với những đơn vị có bể bơi bên ngoài để tổ chức các lớp dạy kỹ năng bơi cho trẻ. Đối với những địa phương có biển, nhiều sông, hồ, thường xảy ra lũ lụt, trẻ em bị đe dọa, có nguy cơ chết đuối cao hơn thì ưu tiên xây bể bơi trước.

Trẻ em vùng sông nước cũng chết

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và là thứ hai ở người lớn. Tỉ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam là 22,6%, chỉ sau tai nạn giao thông (26,7%). Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó 50% do đuối nước.

Bà Trần Thị Ngọc Lan, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận xét: Với trẻ em và người vị thành niên nói chung, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỉ suất tử vong do đuối nước cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi với trung bình 19/100.000 trẻ/năm, trong đó trẻ nam có nguy cơ tử vong nhiều hơn trẻ nữ 1,4 lần.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận với những tai nạn thương tích gây tử vong ở trẻ, đuối nước luôn chiếm tỉ lệ cao nhất. Không chỉ ở các TP mà ngay cả vùng sông nước ĐBSCL, hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi. Trong khi đó, nhận thức của nhiều người về tai nạn đuối nước ở trẻ em còn rất hạn chế, thiếu cẩn trọng khi trông nom, giám sát trẻ trong môi trường không an toàn.

Theo ông An, ngoài môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều ngôi nhà gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có rào chắn; các giếng khơi, bể nước, hố công trình không có nắp đậy... cũng dễ khiến trẻ gặp nạn. “Biện pháp phòng ngừa đuối nước ở trẻ em quan trọng nhất là dạy bơi, lặn và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước” - ông An nhìn nhận.

Đầu voi, đuôi chuột

Đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học đã được Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở TDTT cũ (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) triển khai từ năm 2006-2007.
Theo đó, Sở TDTT TP Hà Nội chịu toàn bộ chi phí dạy bơi, còn ngành GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức, quản lý học sinh đến học. Mục tiêu của đề án là sau một khóa học, các em biết một kiểu bơi và có thể bơi liên tục 25 m. Hàng ngàn học sinh tiểu học các quận, huyện đã hào hứng tham gia học bơi vào mỗi dịp hè.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, việc dạy bơi thưa dần và cuối cùng chỉ còn lại con số không! Nguyên nhân là do các trung tâm TDTT quận, huyện không nhận được kinh phí từ sở TDTT nên không thể duy trì việc dạy bơi cho học sinh.
Trước tình hình trẻ chết đuối ngày càng gia tăng, nhiều phụ huynh đã chủ động cho con em mình học bơi tại các trung tâm TDTT nhưng cũng không đơn giản.
Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 ở Hà Nội mỗi năm, chỉ nhận được 1.200 học viên, trong khi số muốn đăng ký lên đến hàng vạn nên để có được tấm vé học bơi không hề dễ dàng.

Trẻ liên tục chết đuối

- Sáng 17-3, 2 bé trai chết đuối do lọt xuống một rãnh nước sâu ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất - Hà Nội.

- Chiều 13-3, 2 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Đắk Song – Đắk Nông chết đuối dưới hồ nước.

- Chiều 8-3, 4 học sinh Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, TP Tuy Hòa – Phú Yên ra biển tắm và bị sóng cuốn làm 2 em thiệt mạng.

- Chiều 6-3, 3 chị em ruột ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh rủ nhau mò cua, bắt ốc và chết đuối ở hồ nước sau nhà.

- Chiều 29-2, 9 học sinh Trường THCS Nguyễn Thế Bảo, huyện Phú Hòa - Phú Yên tắm sông và 3 nữ sinh bị nước cuốn tử vong.

- Ngày 26-2, 4 học sinh đi chơi tại Khu Du lịch Suối Tiên ở huyện Quế Sơn - Quảng Nam bị trượt chân xuống hồ nước chết đuối.

- Ngày 15-2, 2 học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Đắk R’Lấp - Đắk Nông chết đuối ở hồ Đắk Blao.

- Chiều 8-2, 4 nữ sinh lớp 8A Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Đắk Song – Đắk Nông được phát hiện chết đuối dưới một hồ nước…

T.Giang

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo