Châu và Hoàng hiện do cơ sở nuôi trẻ mồ côi nằm dưới chân núi Tà Cú, do bà Nguyễn Thị Ngọc Hương làm chủ nuôi dưỡng. Đầu gối của cả hai em đều sưng nề, bầm tím, hằn sâu khá nhiều lỗ thủng. Đây là những vết thương mà vỏ mít đầy gai để lại. Châu cho biết cách đây hai hôm, em bị “sư phụ” (ông Đặng Văn Khâm, người quản lý cơ sở trẻ mồ côi này) phạt quỳ gối vì không vâng lời. Riêng Hoàng dù bị buộc quỳ gối trên vỏ mít cách nay hai tuần nhưng những dấu vết vẫn còn thâm tím. Châu rơm rớm nước mắt kể khi bị quỳ, em đã khóc rất nhiều xin “sư phụ” tha thứ nhưng phải lâu lắm “sư phụ” mới cho em đứng lên.
Bé gái Ngọc Châu và những dấu vết để lại trên hai đầu gối do bị buộc quỳ trên gai mít (ảnh trái).
Theo các cô giáo Trường Mầm non 1/6, hiện trường đang tiếp nhận dạy bán trú cho sáu bé gồm bốn gái, hai trai 3-5 tuổi của cơ sở nuôi trẻ này. Theo các cô giáo, hơn một năm qua, thỉnh thoảng họ lại thấy những dấu vết bầm tím xuất hiện trên đầu gối hoặc những dấu vết đòn roi trên lưng, mông các bé, thậm chí có bé mới chỉ hơn hai tuổi cũng có vết thương. Trong đó có trường hợp một bé bị đánh lằn roi ken dày đặc trên lưng như đan rổ, khi ngủ các cô giáo phải đặt bé nằm úp.
Bức xúc, các cô giáo có lần đã lưu ý, nhắc nhở ông Đặng Văn Khâm và đều được trả lời là do các cháu quá lì nên bị những người làm công của cơ sở đánh, ông Khâm hứa sẽ lưu ý nhưng sau đó vẫn tiếp tục tái diễn.
Lì nên phải đánh để răn đe!
Người viết làm việc với hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 Nguyễn Thị Yến Trang, bà Trang cho biết có nghe giáo viên báo cáo sự việc nhưng “đó là chuyện của… gia đình người ta, trẻ lì thì họ có biện pháp thôi” (!?).
Theo bà Trang, đó là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, thiếu tình thương, gần như khủng hoảng, thích gì thì đòi đó cho bằng được, rất lì và theo bà thì “nên để cho họ răn đe”!
Được biết, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi nói trên nằm biệt lập giữa vườn thanh long, cách xa khu dân cư và sát chân núi Tà Cú nên các bé khi bị đánh đập không ai có thể nghe được. Ngoài ra, trang trại thanh long này luôn kín cổng cao tường, nuôi cả bầy chó canh cổng nên ít ai được đến gần. Sở dĩ các bé luôn gọi người quản lý là “sư phụ” là do ông Khâm đi tu ở chùa Linh Sơn Trường Thọ, cũng do bà Nguyễn Thị Ngọc Hương đứng đầu.
Bà Huỳnh Thị Nguyên, Phó phòng GD-ĐT huyện Hàm Thuận Nam, cho biết phòng sẽ mời cô hiệu trưởng đến làm rõ vì sao nhà trường biết rõ các bé bị hành hạ lại không gọi những người có trách nhiệm đến nhắc nhở hoặc báo cáo cho phòng biết. Bà Tô Xuân Thủy, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Hàm Thuận Nam, cho biết thêm cơ sở trên hoạt động chui, không xin phép, những đứa trẻ này đều được xin ở TPHCM về nuôi và làm giấy khai sinh đều mang họ Đặng của ông Khâm là người quản lý.
Ngay trong chiều 9-5, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương cùng một vài người đi theo đã có mặt tại trường mầm non, yêu cầu trả lời rõ ai là người đã cung cấp thông tin cho báo chí. Hiệu trưởng trường đã yêu cầu hai giáo viên có liên quan đến báo cáo cho bà Hương nghe sự việc nhưng cả hai giáo viên đều từ chối và cho biết nếu cần thiết, họ chỉ báo cáo cho cơ quan chức năng.
Theo bà Tô Xuân Thủy, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Hàm Thuận Nam, trong ngày hôm nay, 10-5, phòng này sẽ làm việc với UBND thị trấn Thuận Nam, yêu cầu đề nghị công an vào cuộc làm rõ sự việc.
Bình luận (0)