Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 tại Trường ĐH Hùng Vương (TPHCM). Ảnh: Tấn Thạnh
Ngành trọng điểm cũng bí
Sự bế tắc về nguồn tuyển đang khiến nhiều trường có nguy cơ không thể mở lớp đào tạo ngay cả với các ngành học trọng điểm của trường. Trường ĐH Nha Trang (trước đây là Trường ĐH Thủy sản) có một số ngành truyền thống nhưng tuyển được rất ít thí sinh, chẳng hạn ngành kỹ thuật khai thác thủy sản. Sau cả 2 đợt xét tuyển, ngành này mới có 13 thí sinh, trong khi cần tới ít nhất là 20 thí sinh để mở lớp. Một số ngành khác như điều khiển tàu biển, an toàn hàng hải, kinh tế quản lý thủy sản... cũng chỉ có vài thí sinh trúng tuyển.
Một trường danh giá như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), số thí sinh tuyển được cho ngành công nghệ hạt nhân cũng chỉ là 6/25 chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng vừa thông báo tuyển 138 chỉ tiêu vào các ngành tin học, tiếng Trung Quốc, thư viện - thông tin, sư phạm kỹ thuật, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp với mức điểm nhận hồ sơ rất khiêm tốn là 14.
Tuyển NV3 là giải pháp duy nhất hiện nay cho những trường thiếu thí sinh nhưng không phải trường ĐH nào cũng trông chờ vào cánh cửa hẹp này. Để tránh tình trạng tuyển sinh kéo dài, nhiều trường đã áp dụng giải pháp chuyển những thí sinh từ ngành dễ tuyển sang ngành khó tuyển.
Công khai kiểu đánh đố
Cuộc đua NV3 khởi động với những khó khăn chồng chất cho các trường ngoài công lập và cả thí sinh. Quy định công khai thông tin xét tuyển của Bộ GD-ĐT tưởng như giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển nhưng thực tế lại khiến nhiều thí sinh hoang mang hơn.
Trong đợt xét tuyển NV2, một số trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH quốc tế Bắc Hà đã gây khó cho thí sinh bằng cách yêu cầu phải nhập số báo danh để có thông tin về hồ sơ đã nộp. Điều đáng nói là thông tin thí sinh có được chỉ là một dòng dữ liệu của riêng thí sinh đó chứ không phải là bảng thống kê toàn bộ hồ sơ.
Một thí sinh cho biết dù có thông tin về “vị trí”, được hiểu là thứ tự hồ sơ theo điểm từ cao xuống thấp, song không ai biết được có bao nhiêu người có cùng điểm thi với mình, trong khi thông tin về mức điểm mấp mé đỗ hay trượt là rất quan trọng, liên quan tới quyết định có rút lại hồ sơ hay không. Có trường “giữ chân” thí sinh bằng các quy định riêng như rút ngắn thời gian được rút hồ sơ hoặc yêu cầu thí sinh phải có đơn xin rút, 3 ngày sau mới trả lại hồ sơ.
Thiệt kép Nói về việc công khai thông tin kiểu đánh đố hiện nay của một số trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng có thể do lần đầu thực hiện việc công khai hồ sơ nên một số trường gặp khó khăn về phần mềm công nghệ thông tin, thậm chí là lượng hồ sơ những ngày đầu chưa nhiều nên chưa cập nhật. Tuy nhiên, nếu các trường tiếp tục công khai xét tuyển NV3 theo cách này thì sẽ thiệt kép vì không chỉ thí sinh thiệt thòi mà chính các trường cũng gặp khó khăn về nguồn tuyển. Bởi không thí sinh nào muốn nộp hồ sơ vào trường mà thông tin không được rõ ràng để lỡ mất cơ hội trúng tuyển của mình. |
Bình luận (0)