“Một, hai năm trở lại đây, các trường trung cấp chuyên nghiệp đã khó tuyển nhưng chưa bao giờ bi đát như năm nay. Đã giữa tháng 9 nhưng trường mới tuyển được vài chục em trong khi chỉ tiêu có tới 600. Từ giờ đến cuối năm, nếu vẫn đà này thì chết chắc” - ông Phạm Dũng Danh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Tổng hợp Đông Nam Á, cho biết. Ở nhiều trường trung cấp khác, tình hình tuyển sinh cũng rất ế ẩm.
Cạnh tranh trong thế yếu
Ông Phạm Dũng Danh cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường mấy năm nay không tăng nhưng chưa năm nào tuyển đủ. Tuy nhiên, những năm trước tại thời điểm này, trường đã tuyển được chừng 200 học sinh nhưng năm nay thì quá kém.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, ông Nguyễn Khắc Thương, cho biết hiện tại trường đã tuyển được 200 chỉ tiêu trong số 800 chỉ tiêu được giao. Sở dĩ có 200 học sinh đăng ký xét tuyển vào trường vì trường có ngành y sĩ y học - đây là ngành mới của trường, các ngành khác chỉ vài chục học sinh đăng ký học.
Theo ThS Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường Trung cấp Đại Việt TP HCM, năm nay trường có trên 1.600 chỉ tiêu nhưng giờ này mới tuyển được chưa tới 300, chỉ bằng 30% so với năm ngoái.
Tại Trường Trung cấp Đông Dương, trường này cũng tuyển được chưa đầy 300 em trong khi chỉ tiêu tuyển của trường là 1.000. Một đại diện của Trường Trung cấp Đông Dương cho rằng hiện các trường ĐH, CĐ vẫn còn xét tuyển nên học sinh còn ngóng trông vào các trường ĐH. Chừng nào các trường này tuyển sinh xong thì may ra học sinh mới tìm tới các trường trung cấp để học. Nhiều em có thể bỏ phí một năm đợi ôn thi cho năm tới để vào ĐH.
ĐH, CĐ đã vét hết nguồn
Lâu nay, nguồn tuyển của các trường trung cấp là những thí sinh không đủ điểm sàn xét tuyển vào CĐ và học sinh sau THCS. Thế nhưng, số học sinh sau THCS đi học trung cấp không nhiều còn nguồn thí sinh không đủ điểm sàn xét tuyển CĐ cũng bị “cướp” bởi các trường được xét tuyển bằng kết quả học bạ.
Ông Phạm Dũng Danh cho rằng năm nay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ thì cứ ngỡ là các trường trung cấp có một phần thí sinh là những em có điểm thi THPT quốc gia dưới 12 điểm (sàn CĐ) nhưng thực tế thì khác, các em có thể không đủ sàn để trúng tuyển CĐ nhưng lại dư điểm để xét vào ĐH dựa vào kết quả học bạ THPT.
Ông Nguyễn Khắc Thương cho rằng với cách tuyển sinh ĐH, CĐ như 2 năm nay thì các trường trung cấp bị thua trong cuộc cạnh tranh tuyển sinh với các trường ngoài công lập bởi điều kiện điểm số để xét tuyển theo học bạ là 6 vào ĐH và 5,5 vào CĐ thì hầu như thí sinh nào cũng đạt được. Chỉ những học sinh nào thật sự yêu thích một ngành nghề cụ thể, muốn học tại một trường trung cấp uy tín thì mới đăng ký học trung cấp, còn không thì các em sẽ đăng ký xét tuyển ĐH bởi tâm lý ai cũng muốn học ĐH. Với các trường ĐH, có trường xét tuyển kết quả tất cả các môn, có trường chỉ xét tuyển tổ hợp 3 môn mà bây giờ thì các trường có quá nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới nên thí sinh không thể “lọt sàng” ĐH, CĐ được nên hệ trung cấp sẽ chết dần.
ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, cho rằng các trường ĐH, CĐ có quá nhiều chỉ tiêu. Ngay ở đợt xét tuyển nguyện vọng 1 có đến hơn 2/3 lượng thí sinh đã trúng tuyển. Số liệu cũng cho thấy gần 50% các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt xét tuyển này; còn 50% các trường với 1/3 số thí sinh thi THPT quốc gia có điểm trên sàn để xét tuyển. Cho dù các trường này xét bằng học bạ THPT thì nguồn tuyển chắc chắn cũng không đủ, vậy thì các trường trung cấp còn đâu nguồn để tuyển!
Học sinh có quá nhiều lựa chọn
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng cơ hội vào ĐH vẫn còn quá nhiều, hệ trung cấp trong trường ĐH, CĐ vẫn tiếp tục tuyển thì các trường trung cấp gặp khó là điều dễ hiểu. Các trường trung cấp, đặc biệt là trường ngoài công lập, vẫn chưa tuyển được nhiều bởi học sinh có quá nhiều sự lựa chọn: chọn trường, chọn học phí...
Bình luận (0)