Nguyễn Phúc Quỳnh Chi (tên thường gọi: Bibo) vừa tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý học ở Đại học Melbourne (Úc) vào tháng 7-2022 với xếp loại cao nhất: First Class Honours. Thành tích xuất sắc ấy là một cột mốc đáng nhớ trên hành trình chinh phục tri thức của cô.
Ít nói nhưng hay hỏi nhiều, Quỳnh Chi thích học từ việc mê đọc sách. Du học sớm khi mới vào cấp 3, cô nữ sinh tuổi mới lớn chỉ nghĩ đơn giản sẽ có trải nghiệm hào nhoáng và thú vị, được sống ở nơi khác, gặp những con người mới, mà chưa thật sự suy nghĩ và cân nhắc giữa các chương trình học.
Quỳnh Chi trong ngày lễ tốt nghiệp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tại trường trung học hàng đầu của Singapore với bạn học từ khắp nơi trên thế giới, Chi rớt xuống nửa dưới bảng xếp hạng của lớp ở học kỳ đầu tiên vì chưa quen cách học mới. Nhận ra thời huy hoàng ở Việt Nam chỉ là dĩ vãng, cô lao vào học, dần bắt nhịp với chương trình học, khẳng định năng lực của mình.
Hoàn tất lớp 11, cô đứng đầu khối về ngoại ngữ và tâm lý học; đứng nhì khối về Business, được nhà trường trao giải thưởng: Học sinh tiến bộ nhất khối.
Theo Quỳnh Chi, ngôn ngữ và văn hóa có thể là những rào cản cho bạn trẻ khi bắt đầu học ở nước ngoài. Khi lên đại học, có nhiều thuật ngữ và tiếng Anh chuyên ngành mà có thể sinh viên chưa được tiếp cận trước đây. Khác biệt trong văn hóa, lối sống cũng khó tránh khỏi. Người trẻ có thể lo lắng khi phải thích nghi với nhiều thay đổi lớn trong thời gian ngắn.
"Ngược lại thì thuận lợi của bạn trẻ Việt khi du học nằm ở chính sự năng nổ, chịu khó. Các trường ở nước ngoài thường có nhiều nguồn lực hỗ trợ sinh viên quốc tế, từ câu lạc bộ, workshop, lớp bồi dưỡng tiếng Anh, dịch vụ tham vấn tâm lý miễn phí, tư vấn hướng nghiệp... Gen Z có thể tận dụng các điều kiện như vậy để việc học trở nên thoải mái và thuận lợi hơn" - cô chia sẻ.
Khi ở Singapore và ở Úc, Quỳnh Chi nhận thấy cách mọi người nói chuyện về sức khỏe tinh thần rất khác trong nước. Các giáo viên, giảng viên, nhân viên của trường và người học đều sẵn sàng nói chuyện rất cởi mở về những vấn đề tâm lý và ảnh hưởng của nó. Mọi người rất được khuyến khích sử dụng dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí của trường hoặc các dịch vụ tham vấn khác khi gặp khó khăn. Trải nghiệm này truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cô theo đuổi con đường tâm lý học. Cô biết là nhiều người ở trong nước vẫn đang trải qua những thử thách một mình mà không dám nói ra vì sợ định kiến hay không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, như thế nào.
Quỳnh Chi hy vọng đến một ngày, mỗi người dân Việt Nam đều có thể được chăm sóc tâm lý một cách hiệu quả và với nhiều sự cảm thông: "Trong tương lai, tôi mong muốn học thạc sĩ tâm lý học lâm sàng, thi lấy giấy phép hành nghề tham vấn của Úc và về Việt Nam làm việc."
Bình luận (0)