10.000 suất tuyển thẳng diện ưu tiên
Với những đối tượng này, hiệu trưởng các trường ĐH xem xét, quyết định xét tuyển vào học. Sau khi nhập học, những thí sinh này được học bổ sung kiến thức một năm trước khi học chính thức.
Quy định này được xem là mở cơ hội vào ĐH cho thí sinh thuộc các huyện nghèo. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tuyển sinh và cả các trường đã có ý kiến về những hạn chế của quy định mới.
Một chuyên gia tuyển sinh lâu năm phân tích: Trước đây, khi tuyển đối tượng KV0 (thí sinh dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú tại vùng cao, vùng sâu), các tỉnh phải lập hẳn hội đồng tuyển chọn để bình xét, mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 2.000 em. Đối tượng là dự bị ĐH vẫn phải thi ĐH, điểm chỉ thấp hơn thi ĐH chính quy một chút. Trong khi đó, việc tuyển thẳng thí sinh như hiện nay là quá dễ dãi và không công bằng.
Với 62 huyện nghèo hiện nay, số lượng thí sinh được “cho không” suất vào ĐH sẽ rất lớn. Theo ước tính của một chuyên gia Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, con số này lên đến khoảng 10.000. Trong khi Bộ GD-ĐT đang khuyến khích phân luồng học sinh vào các trường TCCN thì với việc “biếu không” chỉ tiêu vào ĐH hiện nay, thí sinh dù không đủ khả năng chắc chắn cũng sẽ đăng ký vào học ĐH.
Các trường sẽ đưa ra điều kiện cụ thể (?)
Việc tuyển thẳng thí sinh có đầu vào thấp chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các trường. Ông Nguyễn Thanh Chương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải, cho rằng đầu vào thấp không chỉ làm khổ sinh viên mà còn làm khổ cả các trường trong việc học tập, đào tạo. Chính vì vậy mà đến nay, Trường ĐH Giao thông Vận tải vẫn chưa công bố điều kiện tuyển thẳng với những đối tượng này. Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra quy định chung là thí sinh học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo chứ không hướng dẫn cụ thể.
Trước thực tế nêu trên, Trường ĐH Ngoại thương đưa ra một quy định khắt khe với các thí sinh người dân tộc thiểu số, đó là phải tốt nghiệp THPT loại giỏi mới được tuyển thẳng. Tuy nhiên, theo ông Chương, nếu yêu cầu học sinh vùng khó khăn tốt nghiệp loại giỏi mới tuyển thẳng thì chẳng khác gì đánh đố nhau.
Lý giải về điều này, ông Đỗ Thanh Duy, Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ quy định khung, còn điều kiện cụ thể thế nào thì các trường sẽ quyết định trên cơ sở nhu cầu của mình. Với quan điểm đó, theo lãnh đạo một trường ĐH lớn, sẽ có một thực tế không thể tránh khỏi là nhiều trường vì thiếu sinh viên nên sẽ đưa ra các điều kiện xét tuyển rất dễ dãi, trong khi những trường tên tuổi như ĐH Ngoại thương sẽ đưa ra những quy định rất khắt khe mà chắc chắn thí sinh dân tộc thiểu số khó lòng đáp ứng.
Học bổ sung: Lúng túng Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ phải bố trí học bổ sung cho các em nếu cần. Tuy nhiên, điều kiện “cần” ở đây là như thế nào lại không quy định rõ nên các trường khá lúng túng. Ông Đỗ Thanh Duy cho biết Vụ Giáo dục ĐH được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn về việc dạy thêm một năm để bổ sung kiến thức cho thí sinh. Tuy nhiên, đến nay, văn bản này vẫn chưa hoàn thiện. |
Bình luận (0)