“Đối với ĐH, trọng tâm là tăng cường vai trò tự chủ và tiến tới các trường ĐH không trực thuộc bộ nào” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết trong buổi làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, chiều 7-6.
Trường sẽ không trực thuộc bộ
Theo Bộ trưởng Nhạ, tự chủ ĐH không phải làm giảm gánh nặng ngân sách, càng không phải là cơ hội để các trường mở rộng quy mô đào tạo mà tự chủ ĐH là để các trường có cơ hội được quyết định những vấn đề của mình và bảo đảm chất lượng. Xác định đây là vấn đề cam go nhưng bộ trưởng cho biết đang làm việc với các trường ĐH và đang chuẩn bị nghị định trình Chính phủ về tự chủ ĐH.
“Một ngày nào đó, tôi đến với các trường không phải vai trò bộ chủ quản mà đến với vai trò bộ trưởng Bộ GD-ĐT để trao đổi về đường hướng chính sách chứ không liên quan đến đầu tư bao nhiêu” - Bộ trưởng Nhạ nói và cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tiên phong trong vấn đề tự chủ ĐH để ít nhất trong nhiệm kỳ này có vài trường không trực thuộc bộ.
Bộ trưởng cho biết tự chủ phải gắn với giải trình chứ không phải là tự trị. Trường nào có năng lực tự chủ cao, giải trình tốt thì tăng cường tự chủ. Tới đây, bộ sẽ triển khai kiểm định tất cả đơn vị giáo dục để công khai trên mạng. Năng lực tự chủ thông qua bảo đảm chất lượng cũng được công khai trên mạng để góp phần minh bạch về chất lượng.
Trước quan điểm của Bộ trưởng Nhạ về việc tiến tới các trường ĐH không còn trực thuộc bộ, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng lâu nay các quyết sách của Bộ GD-ĐT thường chậm hơn các trường, nhiều khi gây cản trở. Ngay như việc trường muốn mua sắm gì cũng phải xin và Luật Đầu tư công mới quy định phải qua 2 bộ nên rất mất thời gian, thậm chí lỡ cơ hội. Do vậy, nếu Bộ GD-ĐT có chủ trương tăng cường tự chủ cho các trường và tiến tới không còn bộ chủ quản thì Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ đi tiên phong. Ông Dũng cho rằng chủ trương không còn bộ chủ quản là rất tốt cho các trường, vấn đề là bộ có thực hiện hay không và thực hiện như thế nào cần phải rà soát lại tất cả thông tư, quy chế quy định đang bắt phải có ý kiến thẩm định, phê duyệt của bộ chủ quản.
“Bỏ bộ chủ quản” là bỏ gì?
TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết tự chủ ĐH bao gồm nhiều vấn đề từ tài chính, tổ chức, công tác nhân sự… Hiện nay, trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017. Theo đó, trường không nhận ngân sách nhà nước, được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quyết định chương trình đào tạo, giáo trình; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ; quyết định liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài và trong nước… “Tuy đang thí điểm tự chủ nhưng hiện nhiều vấn đề trường vẫn phải xin ý kiến bộ nên không rõ khi không còn bộ chủ quản thì sẽ như thế nào. Đây là vấn đề lớn nên cần có những quy định cụ thể” - ông Phúc đề nghị.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng đây là vấn đề lớn, phải định nghĩa thế nào là chủ quản, bỏ bộ chủ quản là bỏ cái gì, hô hào là bỏ nhưng rồi các thông tư, quy chế vẫn còn nguyên xi đó thì tự chủ thế nào...
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng có thể hình dung có 3 vấn đề lớn trong khái niệm tự chủ (tất nhiên cũng còn một số khía cạnh khác): Một là, bộ chủ quản hiện nay quyết định nhân sự cấp ban giám hiệu. Vậy nếu bỏ bộ chủ quản thì việc bổ nhiệm, miễn nhiệm như thế nào? Hội đồng trường hay đại hội công chức, viên chức, giảng viên bầu trực tiếp, có cần cấp nào hiệp thương hay chuẩn y không? Như vậy phải rà soát lại quy định về nhân sự hiện nay trong quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng.
Hai là, về vấn đề tài chính, cơ sở vật chất: bỏ bộ chủ quản cũng đồng nghĩa với việc không còn nguồn ngân sách cấp từ bộ chủ quản. Liệu các trường ĐH trọng điểm, các trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo các ngành chiến lược sẽ huy động nguồn lực từ đâu hay là chỉ trông chờ vào học phí của sinh viên?
Ba là, về đào tạo, học thuật: mở ngành, kiểm tra, giám sát, chế tài... ai sẽ thực hiện, hay là chính trường ĐH phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội và khi có các “sự cố” về đào tạo thì ai sẽ giải quyết hậu quả cho sinh viên?
Các bộ khác có chịu bỏ không?
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hô hào bỏ bộ chủ quản, tuy nhiên hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý khoảng hơn 1/3 số trường ĐH, CĐ. Các bộ chủ quản khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế... liệu có bỏ các trường của họ được không?
Bình luận (0)