Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) trên cơ sở thẩm định, phê duyệt công bằng với SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Mua sách lớp 1 để biên soạn sách lớp 2?
Kinh phí đầu tư cho dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) khoảng 80 triệu USD, trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Trong số này, có khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện. Tháng 1-2017, Bộ GD-ÐT cùng Ngân hàng Thế giới khởi động dự án RGEP.
Tuy nhiên, phương án biên soạn một bộ SGK của Bộ GD-ĐT đã phá sản. Bộ GD-ÐT cho hay đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả, biên tập viên nhưng không thực hiện được do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số NXB cho nên không đủ ứng viên tham gia tuyển chọn...
Ngày 4-2, tại cuộc họp triển khai hoạt động của dự án RGEP, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT đã kết luận: Giao Ban Quản lý các dự án (Bộ GD-ÐT) phối hợp Vụ Giáo dục tiểu học, dự án RGEP và một số đơn vị liên quan, tổ chức mua bản mẫu SGK lớp 1 mới (trừ SGK môn ngoại ngữ). Đồng thời, Vụ Giáo dục trung học chủ trì phối hợp Vụ Giáo dục tiểu học và các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn một bộ SGK. Trước mắt, hoàn thành biên soạn bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 trước ngày 15-10 để thẩm định.
Giáo viên tham khảo các bộ SGK lớp 1 mới
Cạnh tranh thiếu bình đẳng
Trước thông tin Bộ GD-ĐT tiếp tục biên soạn một bộ sách riêng, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng khi các NXB đã ra mắt 5 bộ SGK lớp 1 và được phê duyệt sử dụng trong trường phổ thông thì Bộ GD-ÐT lại bắt đầu tổ chức biên soạn SGK là không hợp lý.
"Nghị quyết 88 yêu cầu Bộ GD-ÐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để phòng trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào biên soạn SGK kịp triển khai chương trình mới. Nhưng thực tế đã có tới 5 bộ sách rồi thì không lo học sinh không có sách học" - ông Khuyến nói.
GS-TSKH Ðào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đặt vấn đề việc mua lại bản quyền một bộ SGK lớp 1 và tổ chức biên soạn từ lớp 2 cũng có thể gây nhiều hệ lụy. Theo GS Đào Trọng Thi, giáo viên, học sinh đang dạy học SGK lớp 1 theo phương pháp tiếp cận nội dung, mục tiêu giáo dục của một nhóm tác giả, khi lên lớp 2 lại là một nhóm có cách biên soạn, tiếp cận hoàn toàn khác thì khó tạo ra một sự nhất quán. GS Đào Trọng Thi cũng phân tích nếu Bộ GD-ÐT mua một bộ SGK lớp 1 bằng tiền ngân sách rồi bán rẻ thì các bộ SGK lớp 1 khác sẽ khó có thể tồn tại.
TS Lê Viết Khuyến cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Khuyến cho rằng chưa nói đến tâm lý "sách của bộ", giữa các bộ sách có chất lượng tương đương thì các trường chắc chắn sẽ chọn bộ sách giá rẻ hơn. Như vậy là không bảo đảm cơ chế cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, sẽ đẩy các NXB vào thế khó và các doanh nghiệp sẽ không còn hào hứng trong việc biên soạn, đa dạng hóa SGK.
Giá sách quá cao là không ổn
TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm không nhất thiết phải có một bộ sách của Bộ GD-ĐT, không cần bao cấp SGK mà nên xã hội hóa. NXB có vốn, họ có thể ứng ra, không nhất thiết phải thu lại vốn ngay trong một năm mà SGK dùng năm này sang năm khác. Quyết định giá sách quá cao là không ổn. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo.
Bình luận (0)