Ngỡ ngàng, vì đây là quy định bất hợp lý mà ngay cả những người hài hước nhất cũng không thể tin nổi. Trên thực tế, SGK hiện hành khó có thể là một tài liệu chuẩn mực khi hàng năm Bộ GD-ĐT đều yêu cầu phải tinh giản những kiến thức nặng nề, lạc hậu trong bộ sách này.
Một giáo viên thẳng thắn cho rằng nhiều kiến thức trong SGK đã lỗi thời hàng chục năm, nếu không đưa kiến thức ngoài SGK vào dạy cho thì giáo viên sẽ bị học sinh "dắt mũi", nhất là trong thời đại học sinh cực kỳ nhanh nhạy với công nghệ. Theo thầy giáo này, mấy năm nay, để học sinh của mình đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, ông luôn yêu cầu học sinh phải đọc và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bên ngoài từ các loại sách tham khảo, các kênh thông tin khác nhau. "Lâu nay chúng tôi chỉ coi SGK là một kênh tham khảo và luôn phải tìm hiểu, đưa vào bài giảng của mình những thông tin thực tiễn. Nếu chỉ gói gọn những gì viết trong SGK, học sinh có hứng thú với việc học hay không, giáo viên có được sáng tạo theo ý mình hay không"? – giáo viên này đặt câu hỏi.
Thực tế nhiều năm nay, đề thi THPT quốc gia các môn khối xã hội có rất nhiều nội dung ngoài SGK. Học sinh phải làm bài đọc hiểu, nghị luận về các vấn đề đời sống, ngay cả văn bản văn học cũng đã mở rộng ra ngoài tác phẩm quy định trong SGK. Vậy với cách ra đề này, với việc trói buộc chỉ học những kiến thức trong SGK, các học sinh có thể làm tốt bài thi như yêu cầu của Bộ GD-ĐT?
Chưa hết, từ nhiều năm nay, chính Bộ GD-ĐT cũng đã có chủ trương cho phép một số trường thực hiện chương trình nhà trường, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế. Nhờ chủ trương này mà nhiều trường đã dựa vào chương trình giáo dục chung của Bộ để xây dựng chương trình giáo dục riêng của trường mình theo hướng mở, linh hoạt, phát huy tối đa năng lực của mỗi học sinh. Với chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích "một chương trình, nhiều bộ sách SGK" cùng với sự chủ động của giáo viên khi xây dựng chương trình cá nhân. Nhưng với yêu cầu mới này của Bộ GD-ĐT, chương trình dạy học của các trường sẽ phải thay đổi theo hướng hạn chế tính sáng tạo của người học và người dạy".
Một giáo viên hài hước: "Hay là Bộ GD-ĐT thương giáo viên phải vất vả soạn giáo án, thiết kế bài giảng từ nhiều nguồn tài liệu, từ thực tế cuộc sống nên đưa ra quy định này để giáo viên nhàn hơn?". Tuy nhiên, cũng theo giáo viên này, nói vui thì vậy, nhưng rõ ràng cần nhìn vào thực tế là quy định của Bộ GD-ĐT đang bóp chết sự sáng tạo của giáo viên. Chỉ cần lên lớp những kiến thức (phần nhiều đã lạc hậu) trong SGK, giáo viên sẽ rất nhàn nhã. Nhưng với cách dạy và học như thế, liệu nền giáo dục có thể đào tạo những chủ nhân tương lai hiểu biết, năng động, sáng tạo như mong muốn?
"Chúng tôi không hiểu Bộ GD-ĐT nghĩ gì?" – một giáo viên đặt câu hỏi, thật chua chát.
Bình luận (0)