Những sự cố này, theo lãnh đạo nhiều trường ĐH là không tránh khỏi khi kỳ thi tuyển sinh được coi như một cuộc tổng động viên lớn, huy động sức người, sức của cả xã hội. Chính vì thế, vấn đề cải tiến kỳ thi ĐH thêm một lần nữa được lãnh đạo các trường ĐH đặt ra.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng trong tương lai nên quay lại ủy quyền cho các ĐH hay khối ĐH tổ chức theo ngành; các trường ngành kỹ thuật, kinh tế… nên thi theo khối ngành. Đến một lúc nào đó nên thi như cao học hiện nay là từng trường đảm nhiệm và có thể thi nhiều đợt.
Cũng đồng ý với việc cần cải tiến thi cử, ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng về lâu dài có thể bỏ kỳ thi ĐH, tuy nhiên, phải chuẩn bị kỹ tiền đề còn trước mắt, vẫn nên tổ chức kỳ thi nhưng nên tìm một phương án thích hợp để kỳ thi gọn nhẹ, không gây áp lực. Ông Sơn nhấn mạnh rằng muốn đơn giản hóa, giảm áp lực thi cử thì phải bảo đảm điều kiện đủ để triển khai.
Đề cập vấn đề đổi mới tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng việc thi ĐH vẫn chưa thể bỏ trong tương lai gần, bởi áp lực về nhu cầu được đào tạo ĐH hiện nay quá cao. Mỗi năm vẫn còn khoảng 1,5 triệu thí sinh, trong khi chỉ tiêu ĐH chỉ có 550.000. Khi cầu lớn hơn cung thì vẫn phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh để bảo đảm việc tuyển sinh nghiêm túc, chính xác.
Tuy nhiên, ông Ga cũng cho biết Bộ GD-ĐT đang cùng một số trường nghiên cứu để từ năm 2015 sẽ có lộ trình đổi mới tuyển sinh. Mạng lưới đào tạo ĐH, CĐ đang được mở rộng, dự kiến đến năm 2020 đáp ứng quy mô 4 triệu sinh viên, mỗi năm tuyển 1 triệu sinh viên. Như vậy, với con số dự báo 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT ở thời điểm đó sẽ có 1 triệu chỗ học ĐH, áp lực sẽ không còn. Lúc đó chỉ tổ chức thi với các trường ĐH ở tầm cao, mang tính nghiên cứu.
Bình luận (0)