Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tiến hành việc tự đánh giá từ năm 2005 và năm 2009, trường nhận được thông báo về kết quả phiên họp của Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng, trong đó thể hiện biểu quyết của hội đồng công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, đến nay, trường vẫn chưa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cũng như không hề có thêm quyền lợi hay chính sách ưu tiên, hỗ trợ nào.
Công nhận rồi… để đó
Cùng với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, 39 trường ĐH đầu tiên hoàn thành việc kiểm định chất lượng, trong đó 20 trường được Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục từ năm 2009, nay cũng đang chới với do thiếu sự chỉ đạo “hậu kiểm định chất lượng”.
Theo ông Trương Chí Hải, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí của Trường ĐH Cần Thơ, chính sự bỏ ngỏ của Bộ GD-ĐT đối với trường sau khi được Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục là một khó khăn trong việc duy trì công tác này.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM trong phòng thí nghiệm
Thiếu kinh nghiệm, kinh phí
Ông Trương Chí Hải cũng cho biết hiện Trường ĐH Cần Thơ vẫn tiếp tục thực hiện công việc tự đánh giá nhưng việc thực hiện gặp không ít khó khăn. Công việc kiểm định chất lượng của trường hiện tập trung vào 2 khâu: đánh giá chương trình và lấy ý kiến phản hồi của người học. Hiện trường đã có đơn vị chuyên trách làm công tác này. tuy nhiên, đa phần là lực lượng trẻ, không được đào tạo đúng chuyên môn nên còn thiếu kinh nghiệm.
Ông Đỗ Đình Thái, quyền Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết do kiểm định chất lượng còn là công việc mới mẻ nên trường phải cử 2 cán bộ chuyên trách đi học bậc thạc sĩ chuyên ngành này tại ĐH Quốc gia Hà Nội để khi trở về họ có thể đảm trách công việc tốt hơn.
“Lờ” kiểm định vì thiếu chế tài
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến cuối năm 2010 mới chỉ có 100/150 trường ĐH, 81/226 trường CĐ hoàn thành tự đánh giá. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, sở dĩ các trường chưa hào hứng với công việc kiểm định chất lượng bởi một số trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy được việc “tự soi gương” là rất quan trọng để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác kiểm định chất lượng vì vậy còn nhuốm màu sắc hành chính, hình thức chứ không phải thực hiện với mục đích tự thân.
Ông Trương Chí Hải cũng cho rằng chính vì bộ chưa có chế tài trong công tác này nên chưa khuyến khích được các trường làm tốt công tác kiểm định chất lượng. Bộ phải có hình thức xử lý đối với những trường không thực hiện tự đánh giá theo quy định, cũng như phải có chế độ khuyến khích đối với các trường làm tốt công tác này.
Việc kiểm định chất lượng không chỉ giúp các trường biết điểm mạnh, điểm yếu để chủ động có biện pháp nâng cao chất lượng mà thông qua công bố kết quả kiểm định sẽ làm các trường có chất lượng thấp phải chịu sức ép từ xã hội. Nếu các trường này không bảo đảm chất lượng sẽ không cho tuyển sinh. Đây cũng chính là biện pháp quan trọng để cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Ông Đinh Tuấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân |
Cần quy định rõ trong Luật Giáo dục ĐH Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Luật Giáo dục ĐH mới được tổ chức gần đây, PGS-TS Phan Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng cần đưa nội dung kiểm định chất lượng vào Luật Giáo dục ĐH để tạo hành lang pháp lý trong việc thực hiện kiểm định chất lượng cho tất cả các cơ sở giáo dục ĐH.
Theo đó, bà Tươi đề nghị trong luật cần quy định việc kiểm định chất lượng phải là một hoạt động thường xuyên, định kỳ của các tổ chức giáo dục; việc kiểm định chất lượng phải được thực hiện bởi tổ chức kiểm định độc lập; việc công bố kết quả kiểm định của cơ sở đào tạo do cơ sở tự quyết định và chịu trách nhiệm về công bố này…
Theo PGS-TS Nguyễn Phương Nga, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội, khi đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, các trường phải được hưởng quyền lợi nhất định như tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng mức học phí phù hợp, người học được ưu tiên các chương trình hỗ trợ tài chính của Nhà nước.
Để bảo đảm tính khách quan, công bằng và chất lượng của công tác kiểm định chất lượng cũng như quyền lợi của các trường ĐH, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác kiểm định chất lượng và với các tổ chức được cấp phép hoạt động để thực hiện công tác kiểm định chất lượng cũng cần phải được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục ĐH. |
Bình luận (0)