Dư luận đang xôn xao trước thông báo số 296/TB-LLQ ngày 25-9-2023 gây nhiều tranh cãi của Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Thông báo của Trường THPT Lạc Long Quân, Sóc Sơn
Theo đó, trong thông báo, anh H. - một phụ huynh lớp 12A3 của trường - có ý kiến trong nhóm zalo của lớp (nhóm kín) về chuyện thu chi đầu năm của nhà trường. Cho rằng phụ huynh đã có những lời lẽ làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường, Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân đã mời phụ huynh này lên làm việc.
Tuy nhiên, nhà trường đã nhiều lần mời phụ huynh để nghe giải thích về nội dung tin nhắn nhưng không nhận được sự hợp tác. Ngày 7-9, trường tiếp tục cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà để trao đổi và chuyển lời mời của ban giám hiệu nhưng phụ huynh H. vẫn không đến làm việc.
Ngày 25-9, Trường THPT Lạc Long Quân tiếp tục gửi thông báo tới phụ huynh và ra "tối hậu thư" nếu phụ huynh này không đến trường làm việc, học sinh sẽ bị nghỉ học.
"Sau thời gian trên, nếu ông không lên làm việc, nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh..." - thông báo có dấu đỏ và chữ ký của Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân nêu rõ.
Tối 3-10, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 gọi điện cho gia đình anh H. thông báo con anh chị phải nghỉ học từ 4-10.
Trao đổi với báo chí, anh H. cho hay những vấn đề anh và các phụ huynh trao đổi trong nhóm lớp là những nội dung nhà trường phải có trách nhiệm giải thích để phụ huynh hiểu. Đồng thời, những trao đổi này trong nhóm riêng tư, không có ý xúc phạm nhà trường.
Lý giải việc không đến trường làm việc theo lời mời của trường, anh H. nói rằng mình rất bận, phải đi công tác thường xuyên. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo phải lên trường làm việc nếu không con anh sẽ bị cho nghỉ học thì anh vô cùng bức xúc, chính thức từ chối trao đổi với nhà trường.
Nhận định về thông báo gây tranh cãi này của Trường THPT Lạc Long Quân, một chuyên gia giáo dục bày tỏ trong những trường hợp này, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng.
"Nếu khi nhận được thông tin về phản hồi của anh H. về thu chi, nhà trường tổ chức gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh lớp 12A3 hay gặp riêng anh H. để giải đáp về các khoản thu chi đầu năm thì vấn đề sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Hiệu trưởng thậm chí có thể gọi điện trao đổi trực tiếp với phụ huynh, thuyết phục anh thu xếp thời gian đến trường trực tiếp trao đổi thay vì gửi thông báo như một "tối hậu thư" dễ gây ức chế" - chuyên gia giáo dục này bày tỏ quan điểm.
Vị chuyên gia cũng cho rằng trong trường hợp này, học sinh không có lỗi nên hành động "ăn miếng trả miếng", bố không đến thì con nghỉ học là hành động phản giáo dục.
Về phía phụ huynh, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng cần có ứng xử phù hợp. Nếu bận không đến làm việc được với trường, phụ huynh có thể nhắn tin, gọi điện thông báo cho giáo viên, nhà trường chứ không thể im lặng không phản hồi, đẩy sự việc rơi vào căng thẳng.
Bình luận (0)