- Phóng viên: Sau 5 lần tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, năm nay kỳ thi sẽ đổi tên thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao cho các địa phương tổ chức. Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về sự thay đổi này?
+ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức nghiên cứu, dự thảo các phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2020. Phương án cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất.
Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức ra đề thi, xây dựng và cung cấp các phần mềm chấm thi, các thí sinh vẫn dự thi ngay tại địa phương mình. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần "học gì thi nấy". Các bài thi và điểm thi môn thành phần trong các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội về cơ bản vẫn như năm 2019. Các trường ĐH, CĐ vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh.
Điểm khác biệt đáng kể là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề thi sẽ được điều chỉnh, không đánh đố để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước; thời gian thi rút ngắn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ hi tốt nghiệp THPT sẽ được tinh giản theo tinh thần "học gì thi nấy"
Ngoài ra, thay vì Bộ GD-ĐT phải điều động gần 50.000 cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra chấm thi như những năm gần đây thì năm nay Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi tổ chức tại địa phương mình.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện và sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Do có một số điều chỉnh so với những năm trước nên nhiều học sinh và phụ huynh băn khoăn, lo lắng, nhất là đối với những học sinh có mong muốn xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp trong tổ chức thi, tuyển sinh nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh?
+ Điều chỉnh một số điểm của phương án thi là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh không thể học tập tại trường trong thời gian dài do dịch bệnh và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ GD-ĐT vẫn chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy.
Chúng tôi đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, năm nay Bộ sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.
Do kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hoá phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm so với các năm trước nhưng vẫn đảm bảo được phân loại học sinh nên các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển đầu vào.
Trong bối cảnh dịch bệnh, phải điều chỉnh chương trình, phương thức dạy, học; giới hạn nội dung và độ khó của các bài thi; theo nguyện vọng của học sinh (thí sinh tự do) và tiếp thu ý kiến của dự luận xã hội, các cơ quan chức năng, Bộ GD-ĐT thống nhất cho thí sinh tự do được tham dự kỳ thi năm nay để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức xây dựng đề thi tham khảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẽ sớm công bố để giúp giáo viên, học sinh có định hướng trong dạy học, ôn tập, giúp các em yên tâm học tập.
- Việc Bộ GD-ĐT dự kiến mỗi bài thi tổng hợp (KHTN và KHXH) chỉ có một đầu điểm, không tách và chấm điểm các môn thành phần đã khiến các em học sinh có nguyên vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ lo lắng, nhất là những em đã có định hướng ôn tập từ trước. Bộ trưởng đã chỉ đạo việc này thế nào?
+ Việc sử dụng các bài thi KHTN và KHXH trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện học sinh, khắc phục tình trạng học lệch trong một bộ phận học sinh. Bên cạnh đó, để phù hợp với mục đích của kỳ thi nghiệp THPT, ban đầu Bộ GD-ĐT chủ trương không tách và chấm các môn thành phần trong các bài thi KHTN và KHXH mà chỉ tính một đầu điểm của từng bài thi này.
Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của công tác tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, học sinh đã học và ôn tập theo các môn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Để tạo thuận lợi cho học sinh, không gây tâm lý lo lắng cho các em và phụ huynh, Bộ GD-ĐT quyết định, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bài thi KHTN và KHXH tính một đầu điểm để xét tốt nghiệp nhưng vẫn được chấm và công bố điểm các môn thi thành phần.
Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Nhân đây, tôi đề nghị các trường đại học, học viện, cao đẳng cần tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang, lo lắng cho học sinh. Tôi đang chỉ đạo xây dựng quy chế tuyển sinh đảm bảo tinh thần thực hiện tự chủ đại học nhưng phải đề cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và chia sẻ với những khó khăn của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch Covid-19.
- Bộ trưởng có nhắn gửi gì với giáo viên và học sinh khi quay trở lại trường học tập, tiếp tục hoàn thành năm học 2019-2020 và hướng tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020?
+ Năm nay là một năm khó khăn không chỉ với ngành giáo dục mà còn với cả nước. Suốt thời gian qua, mỗi giáo viên, học sinh và toàn ngành đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, khắc phục khó khăn để cùng cả nước vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tổ chức dạy và học, thực hiện tốt phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học".
Những nỗ lực này đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 22-4 vừa qua. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi chân thành cảm ơn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, các địa phương và các cơ quan, đoàn thể, người dân, phụ huynh đã quan tâm chỉ đạo, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ trong đại dịch Covid-19.
Những ngày này và tới đây, khi học sinh trở lại trường học tập, sẽ có nhiều việc hơn nữa đối với toàn ngành, một mặt vừa phải đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, mặt khác phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu năm học, trong đó có việc tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020.
Tôi mong rằng, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tiếp tục cố gắng, nỗ lực, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời hoàn thành tốt chương trình giáo dục còn lại của năm học. Với mỗi học sinh lớp 12, tôi mong các em sẽ chăm chỉ học tập, vững tâm để có kết quả tốt nhất, đạt được ước mơ mà mình theo đuổi.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận (0)