Nhiều ngày liền, đến giờ ra chơi, nữ học sinh lớp 3 một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP HCM không ra sân như các bạn. Qua tìm hiểu, giáo viên mới biết em đã có kinh nguyệt. Đây không phải là trường hợp đầu tiên hay hiếm gặp, nên từ vài năm nay ở các phòng y tế của trường tiểu học đều chuẩn bị băng vệ sinh và quần lót cho học sinh. Phụ huynh, giáo viên cho rằng việc giáo dục giới tính trong trường tiểu học là điều cần thiết.
Giáo viên lúng túng
Theo BS Đinh Thị Na - Khoa Nội tiết Bệnh viện quận Thủ Đức, TP HCM - trẻ bắt đầu dậy thì trong khoảng 8-13 tuổi ở nữ và nam từ 9 đến 14 tuổi. Nhưng đối với trẻ dậy thì sớm, sự phát triển của các dấu hiệu sinh dục thứ phát xuất hiện trước 8 tuổi ở trẻ nữ và trước 9 tuổi ở trẻ nam.
Khoa Nội tiết Bệnh viện Thủ Đức đang thăm khám thường xuyên (khám định kỳ) 26 trẻ trong độ tuổi từ 6-11, trong đó có một trẻ nam. Độ tuổi bắt đầu đến khám dậy thì sớm là từ 7-8 tuổi.
Một giáo viên ở quận 3, TP HCM chia sẻ đang trong giờ học thì một học sinh có kinh nguyệt lên tìm cô giáo, khóc và nói rằng mình chạy nhảy nên bị chảy máu. Giáo viên lập tức đưa học sinh xuống phòng y tế mới phát hiện em đã đến kỳ kinh nguyệt, giáo viên lúng túng không biết giải thích ra sao cho em hiểu về hiện tượng "đèn đỏ".
"Có những trường hợp, giáo viên trao đổi với mẹ nhưng họ không tin, cho rằng con ham chơi nên va quệt chảy máu. Về nhà mẹ cũng gạt đi, la mắng con, vì thế nhiều em cố giấu luôn cả mẹ" - giáo viên này nói.
Chị Hồng Thủy (quận Gò Vấp, TP HCM) có con gái đang học lớp 4, cho biết dù hay chia sẻ với con về giới tính nhưng chị không thể quản lý hết những nội dung con xem trên tivi, mạng xã hội... có nhiều hình ảnh, thông tin về thế giới người lớn mà trẻ em không thể nhận thức để chọn lọc. Điều này làm các em bị tiếp thu thụ động những thông tin, hình ảnh đồi trụy, dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc.
Minh họa: KHỀU
Trang bị kiến thức giới tính
ThS Lê Thị Hồng Anh, nhóm tác giả của dự án Chuyến xe trải nghiệm, nhìn nhận dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến và tuổi dậy thì có khuynh hướng sớm hơn so với thế hệ trước. Thầy cô giáo nên thường xuyên quan tâm, gần gũi, trò chuyện tâm tình với trẻ nhằm phát hiện và trợ giúp cho trẻ. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài để hiểu rõ hơn về những phương pháp giáo dục giới tính mới, những nguy cơ có thể xảy ra và cách phòng ngừa, ứng phó với nó.
Đồng thời giáo viên cần tăng cường phối hợp với gia đình học sinh để việc giáo dục giới tính mang lại hiệu quả cao. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan sát, để ý đến các biểu hiện cơ thể và tâm lý của con mình.
"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần trang bị cho trẻ các kiến thức về giới tính. Hãy dành thời gian bên trẻ, thủ thỉ với trẻ đâu là những giới hạn mà những người xung quanh được phép và không được đụng chạm vào các bộ phận cơ thể của mình. Đó mới là điều giúp ích cho trẻ tốt nhất, thay vì cứ để trẻ phát triển một cách tự nhiên" - bà Hồng Anh nhận định.
Bà Hồng Anh cũng cho rằng cần phải giáo dục giới tính cho các em nhưng không làm mất đi vẻ thơ ngây, trong sáng của chính lứa tuổi của mình. Trẻ em bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính qua sách khoa học, qua nhiều môn học, các hoạt động giáo dục khác... Các em cũng được học về cơ thể người, về trứng, tinh trùng, bào thai…
Trong cách truyền tải kiến thức giúp trẻ hiểu và nhận biết về giới tính thì phương pháp giảng dạy cần lồng ghép trong nhiều chương trình và nhiều môn học khác nhau, không nên đặt tư tưởng của mình vào suy nghĩ của các em. Dạy giới tính cho trẻ cần chú ý đến phương thức và thái độ, vì học sinh bây giờ biết nhiều và đoán được nhiều điều hơn giáo viên nghĩ.
Với những trường hợp phát hiện dậy thì sớm, theo BS Đinh Thị Na, phụ huynh cần đưa con đến những cơ sở có bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị trên từng đối tượng, tái khám theo đúng lịch khi đã bắt đầu điều trị.
Dậy thì sớm thay đổi tâm sinh lý
Trẻ dậy thì sớm thường có dấu hiệu vú to (thường gặp nhất ở trẻ gái), có lông mu, lông nách, tiết dịch âm đạo hoặc có kinh; ở trẻ nam thường có dấu hiệu giọng khàn, mụn trứng cá nhiều, tinh hoàn lớn hoặc thấy dịch tiết ở dương vật buổi sáng. Ngoài ra, có một dấu hiệu thường gặp là trẻ tăng chiều cao rất nhanh và cao vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa, với dấu hiệu này cha mẹ ít để ý.
BS Đinh Thị Na cho biết sự phát triển và ổn định tâm lý trong quá trình dậy thì là một quá trình phức tạp, bao gồm tác động của nhiều yếu tố như sự trưởng thành của hệ thần kinh - nội tiết, tương tác di truyền, bối cảnh gia đình, xã hội cũng như nhân cách của mỗi trẻ. Do vậy, sự chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước và trong giai đoạn này là rất cần thiết, đặc biệt là với những trẻ dậy thì sớm. Vai trò của gia đình, thầy cô, những người lớn có trách nhiệm khác rất quan trọng.
Bình luận (0)