Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - từng nhận định: “Chúng ta đã 3 lần cải cách giáo dục nhưng cả 3 lần đều không động đến giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp. Đây là điều cực dở, cần tránh lặp lại”. Ý kiến này hoàn toàn đúng với việc giảng dạy văn học nước ngoài (VHNN) cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trong các trường sư phạm hiện nay.
Kiến thức mờ nhạt
Để chuẩn bị cho đợt thay sách giáo khoa (SGK) tiểu học năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức tập huấn theo kiểu cuốn chiếu 5 năm liền cho giảng viên các trường sư phạm làm nòng cốt để về hướng dẫn cho giáo viên (GV) tiểu học các quận, huyện. Song, các cuộc tập huấn rất tốn kém cho nhà nước và vất vả cho GV ròng rã 5 mùa hè ấy dường như chỉ chú trọng vào phương pháp và giới thiệu bộ SGK tiểu học mới. Trở về giảng đường, đề cương, chương trình môn học “vũ như cẩn”, vẫn theo sự khống chế của các văn bản đã ban hành trước đó.
Nhà trường tiểu học và giảng đường sư phạm vẫn còn đó những khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tiễn… Phần ngữ liệu VHNN dạy tiểu học mà sinh viên cần nắm vững để chuẩn bị kiến thức cho việc đứng lớp ở bậc tiểu học sau này quá mờ nhạt.
Sau 5 năm kể từ khi chương trình tiểu học mới được ban hành và áp dụng ở các trường tiểu học - đất nước cũng có rất nhiều đổi thay theo xu hướng đổi mới và hội nhập, ngày 2-10-2006, Bộ GD-ĐT mới ban hành Chương trình khung giáo dục ĐH ngành giáo dục tiểu học trình độ ĐH (theo Quyết định số 39/2006) làm cơ sở pháp lý cho các trường ĐH, CĐ cả nước xác định chương trình, kế hoạch giáo dục, biên soạn giáo trình để sử dụng chính thức tại đơn vị.
Thế nhưng, ở lần thay đổi chắp vá này, phần VHNN cho thấy một sự cải cách nửa vời, thiếu khoa học và logic trong chương trình đào tạo GV tiểu học năm 2006 - vốn là sản phẩm của Dự án Phát triển GV tiểu học được tài trợ với một nguồn kinh phí khá lớn nhằm đổi mới toàn diện giáo dục tiểu học.
Vẫn chiếc áo cũ, lỗi thời
Cấu trúc chương trình 2006 còn không logic và nửa vời vì ở học phần bắt buộc là văn học 1 được dạy trong 75 tiết, người thiết kế đã ôm đồm cả 5 chủ đề, từ văn học dân gian, văn học viết, lý luận văn học đến văn học thiếu nhi trong và ngoài nước. Với thời lượng ấy, mỗi nội dung chắc chắn chỉ được “cưỡi ngựa xem hoa”… theo kiểu cái gì cũng có học nhưng chẳng học được cái gì (cho đến nơi đến chốn)!
Điều đáng nói hơn cả là tính cập nhật, thiết thực, hợp lý của chương trình đào tạo GV tiểu học gần như không được nhóm biên soạn quan tâm đúng như nó phải có. Chương trình đã ban hành từ năm 2001, SGK tiểu học đã được sử dụng đại trà từ 2004 sau khi cải cách cuốn chiếu xong chương trình tiểu học 2000. Thế nhưng, Chương trình đào tạo GV tiểu học ban hành sau đó 2 năm vẫn cứ mặc chiếc áo cũ kỹ, lỗi thời của chương trình tiểu học 1981.
Đứng ngoài cuộc đổi mới, giáo dục ĐH như người xa lạ. Tính lạc hậu của chương trình ở ĐH thấy rõ qua nhiều ngữ liệu văn học đã không còn giảng dạy ở tiểu học vẫn cứ phải dạy ở trường sư phạm. Ví dụ, những chuyện các em vẫn phải học trong chương trình Văn học 1 như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Truyện cổ Grimm), Bà Chúa Tuyết (Andersen), Hột mận (L. Tolstoi)… đã không còn dạy ở khối lớp nào của bậc tiểu học. Thay vào đó, nhiều chuyện ngụ ngôn khác của Lev Tolstoi, Jean De La Fontaine; các truyện cổ giàu ý nghĩa giáo dục khác của Andersen như Người mẹ, Chim sơn ca và bông cúc trắng, Vịt con xấu xí…được chọn dạy ở tiểu học lại không hề được nhắc đến. Thật lạ!
Trong thực tế giảng dạy, nhiều giảng viên có ý thức đã chủ động tự điều chỉnh, định hướng kiến thức cung cấp cho sinh viên nhưng không phải không còn những nơi, nhà trường cứ bắt giảng viên phải răm rắp tuân theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT như pháp lệnh. Yêu cầu trang bị kiến thức cần thiết cho người GV tương lai đủ khả năng đứng trên bục giảng khi ra trường (cùng quá trình tự đào tạo của bản thân mỗi sinh viên), theo tôi, là nhiệm vụ của một chương trình ĐH định hướng nghề nghiệp chứ không phải định hướng nghiên cứu như trường sư phạm hiện nay.
Vừa thiếu vừa thừa
Mục đích giảm tải cứ cho là đạt được nhưng thực chất đã khiến chương trình đào tạo GV tiểu học trở nên què quặt, vừa thiếu vừa thừa, mà lại mất đi cái nền, cái nôi sinh ra nó là tác phẩm văn chương. Làm sao chỉ dạy một đoạn trích Ga-vrốt lên chiến lũy mà không biết gì về Victor Hugo và Những người khốn khổ cùng triết lý “Yêu thương là tha thứ” của Jean Valjean?
Hay trường hợp Edmondo de Amicis của văn học Ý, cũng được dạy nhiều đoạn trích cảm động ở tiểu học nhưng chương trình đào tạo GV tiểu học không hề đề cập Những tấm lòng cao cả, dù đây là một tác phẩm vô cùng quen thuộc với người đọc nhiều thế hệ Việt Nam qua bản dịch trước đây của Hà Mai Anh: Tâm hồn cao thượng.
Bình luận (0)