Sau 2 ngày khảo sát và làm việc tại một số quận, huyện về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP HCM, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho biết sắp tới, đoàn khảo sát sẽ làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM cùng lãnh đạo TP để lắng nghe, trao đổi lại về quy định cấm dạy thêm, học thêm tại TP. Nếu cần sẽ điều chỉnh và có lộ trình phù hợp.
Đừng vì không quản được mà cấm
Tại các buổi làm việc của đoàn khảo sát, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học tâm tư rằng dạy thêm trong trường tiểu học thực chất là hình thức giữ trẻ giúp phụ huynh bởi vì phần lớn các trường tiểu học hiện nay đều học 2 buổi/ngày nên theo quy định là không được dạy thêm. Phần lớn phụ huynh phải sau 17 giờ mới có thể đón con nên nhiều trường tổ chức các lớp kỹ năng, hoạt động vui chơi sau giờ học cho trẻ như học võ, bóng đá, bóng chuyền, các câu lạc bộ tiếng Anh, năng khiếu... Học sinh (HS) nào không muốn ra ngoài hoạt động thì giáo viên (GV) tổ chức ôn bài ở lớp, cũng là một hình thức GV xem xét và rà soát lại HS của mình.
Học sinh đi học thêm tại một trung tâm ở quận 1, TP HCM vào tối 24-8 Ảnh: TẤN THẠNH
Thầy Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3), cho rằng nếu với khung thời gian đó, phụ huynh không đón con kịp, GV không được dạy thì HS biết đi đâu, làm sao để an toàn cho trẻ? “Tại sao bác sĩ được mở phòng mạch, ca sĩ chạy sô kiếm tiền mà GV không được dạy thêm khiến những nhà giáo chúng tôi rất buồn. Chúng ta cần tính đến giải pháp quản lý sao cho tốt chứ đừng vì không quản được là cấm” - thầy Lợi trăn trở.
Trong khi đó, ở bậc THCS, chương trình vốn đã rất nặng, HS lớp 9 còn phải trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bà Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận 1, TP HCM), cho biết: “Bản thân tôi cũng cho con đi học thêm, nếu không thì năng lực của con tôi rất hạn chế, đó cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh vì ai cũng muốn con mình đỗ đạt”. Bà Sương dẫn chứng là nhờ có dạy thêm, học thêm mà tỉ lệ HS đậu vào lớp 10 công lập hằng năm ở trường lên đến hơn 90%.
Cấm sẽ phát sinh nhiều hệ lụy
Khẳng định lý do dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu phụ huynh là chính, bà Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang (quận 1, TP HCM), thẳng thắn: “Nếu có một cuộc khảo sát HS đi học thêm nhiều là do đâu, tôi khẳng định là do phụ huynh là chính, chỉ có một số ít là do GV”.
Ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho rằng thuận lợi của việc dạy thêm trong nhà trường là bảo đảm được cơ sở vật chất, phòng học cho HS, phụ huynh dễ đưa đón. Học phí thu theo khung quy định nên phù hợp với hầu hết đối tượng phụ huynh HS. Còn dạy thêm ngoài nhà trường sẽ khó kiểm soát được mọi mặt về phòng ốc, gây khó khăn cho việc đưa đón con và khó quản lý mức thu. Mặc dù sở cấp phép nhưng thu chi không biết như thế nào.
Bà Vũ Thị Phương Chi cho rằng nếu cấm thì rất khó quản lý lớp do các thầy cô tự mở bên ngoài, cũng không thẩm định được chương trình dạy bên ngoài như thế nào. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng theo quy định thì ông phải chấp hành nhưng rất tâm tư và trăn trở.
Lãnh đạo quận Gò Vấp đã kiến nghị UBND TP xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường thông qua cuộc khảo sát để lấy ý kiến và tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc quản lý dạy thêm, học thêm.
Lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng đúng là chương trình hiện nay còn nặng nên dạy thêm là nhu cầu có thực của phụ huynh trước rồi mới đến nhu cầu của HS. Trường cũng muốn nâng chất lượng giáo dục, lo đời sống cho GV… Tuy nhiên, bà Nhung đề nghị các trường và GV chấp hành chủ trương của TP về vấn đề này. TP cũng sẽ từng bước để giảm tải việc học cho HS thông qua việc TP tự biên soạn bộ sách giáo khoa riêng phù hợp, TP cũng dần được tự công nhận xét tốt nghiệp THPT sẽ là cơ sở để giảm tải cho HS. “Chúng ta phải xem xét lại chương trình, thi cử và hạn chế tình trạng nặng thi đua khen thưởng như hiện nay, nhất là làm sao để lương GV phải đủ sống mới có thể yên tâm được” - bà Nhung nói.
Chưa vào lớp 1 đã đọc thông, viết thạo
Ông Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TP HCM), nêu thực tế chúng ta cứ nói cấm dạy trước chương trình, cấm dạy thêm, học thêm nhưng không kiểm soát được vì cho đến nay, tại các lớp đầu cấp, các em đã đọc thông, viết thạo gần hết. Điều này là vì phụ huynh lo lắng, tự cho con đi học trước, sợ con thua kém bạn bè. Nếu cấm dạy thêm trong trường, các cô đi dạy thêm bên ngoài thì nảy sinh bất cập là tiền thuê mướn cơ sở vật chất, an toàn cho trẻ, chương trình dạy…
Bình luận (0)