xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảm hóa học trò quậy

NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ

LTS: Học trò cá biệt là nỗi khổ của giáo viên. Để cảm hóa các em, giáo viên phải hết sức dày công. Chính sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ của người thầy về hoàn cảnh, tâm tư của học trò mới lay động và cảm hóa được các em. Bài viết sau đây là của một cựu giáo viên “chuyên trị” học trò cá biệt

Tôi đưa cô con gái đi khai giảng và khi con rời tay mẹ ùa theo các bạn, tôi mới ngước nhìn lên ngôi trường thân thương nằm ở vùng sâu ven rừng phòng hộ mà mình từng gắn bó từ khi tuổi mới đôi mươi. Hình ảnh và kỷ niệm về những tháng năm đứng trên bục giảng ùa về, trong đó có nhiều gương mặt học trò quậy - chính là những em mà tôi không thể nào quên.

Năm 1999, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Minh Hải, tôi xuôi đò xuống Cà Mau nhận quyết định công tác tại Cái Đôi Vàm. Trường chỉ là mấy căn nhà lá đơn sơ, ít lớp, ít giáo viên. Giáo viên đào tạo chính quy rất hiếm, phần lớn là giáo viên hợp đồng (chỉ học qua lớp 9).

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà bên học trò của mình. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà bên học trò của mình. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 6A3, một lớp cá biệt. Ngay buổi nhận lớp đầu tiên, tôi đã “được” một cậu học sinh tên Dương Ngọc Thanh “tặng” ngay một vốc bùn vào mặt kèm theo câu: “Bà đừng tưởng bà khó mà tui sợ!”. Mặt mũi tôi tối sầm vì Thanh ném bùn từ xa (sân trường lúc bấy giờ vào mùa mưa là một bãi sình lầy lớn).

Thanh bị một thầy giáo túm chặt tay và lôi vào văn phòng. Tôi chạy đi rửa ráy, thấy mặt mình đỏ hẳn một bên. Vào văn phòng , tôi thấy Thanh đứng một góc, thầy giáo đang cố hỏi thông tin về phụ huynh nhưng cậu không nói. Tôi bảo thầy rằng Thanh là học sinh của tôi, cứ để tôi giáo dục em.

Áo Thanh mặc chỉ còn 2 nút, 2 bên nách rách dài. Tôi chạy xuống khu tập thể mượn cây kim và cuộn chỉ, cắt 2 cúc ở ống tay áo mình rồi khâu vào áo Thanh. Ban đầu, cậu bé vùng vằng nhưng một lúc sau cũng chịu đứng yên.

Tan trường, tôi nhấc Thanh lên xe đạp của mình, bảo cô sẽ đưa em về nhà. Nhưng Thanh không có nhà vì cha mẹ em đã ly dị. Cha lấy vợ khác, mẹ lấy chồng Đài Loan, Thanh ở với người cậu thường đi biển. Thanh học yếu, hư và là nỗi khó chịu của bất kỳ thầy cô nào.

Từ đó, căn nhà trọ của tôi có thêm một cậu học trò hay lui tới hỏi bài, có khi ăn cơm nguội… Thanh học khá dần lên. Đến lớp 9 thì Thanh nghỉ học và đi biển như rất nhiều đứa trẻ ở thị trấn Cái Đôi Vàm. Ngày 20-11 đầu tiên trong đời, tôi nhận được món quà là một lọ thủy tinh đựng những ngôi sao bằng giấy kiếng mà cậu học trò nhỏ đã kỳ công làm, một lá thư và một chiếc vỏ ốc mang về từ một lần đi biển…

Trong quãng thời gian đứng trên bục giảng, tôi từng vì học trò quậy mà kề cận nguy hiểm. Buổi trưa hôm đó, sau tiết 3, tôi đang đứng ở hành lang thì có một nhóm côn đồ xông vào trường mang theo gậy gộc, mã tấu đâm chém Hùng (học sinh lớp 9). Cậu bé bị đâm trúng sườn, máu đỏ thấm ướt tấm áo trắng.

Tôi hô hoán học sinh lớp mình chủ nhiệm và một số lớp khác chừng hơn 20 em khống chế 3 tên kia lại. Một em chạy đi khóa cổng trường, báo thầy giáo và công an. Chỉ ít phút sau, 3 tên đã bị bắt. Không có HS nào nữa bị thương, riêng Hùng bị đâm 2 nhát vào mạn sườn. Khi tôi chở Hùng đi bệnh viện, ngồi phía sau, cậu nén đau thốt lên: “Cô ơi, thật khủng khiếp!”.

Nếu chuyện chỉ dừng ở đó thì cũng không có gì đáng nhớ. Nhưng trưa hôm ấy, tôi đang chạy xe về nhà thì gặp một nhóm côn đồ khác chừng 6 tên phục sẵn ở cầu Làng Cá, quyết “dằn mặt” cho được “ bà cô” nhiều chuyện, dám tổ chức bắt đồng bọn của chúng. Một tên mặc áo sọc đen lao ra chặn xe...

Chính tôi cũng không bao giờ tin điều kỳ diệu lại xảy ra lúc ấy. Tên to xác nhất, tay cầm mã tấu bỗng khựng lại và khoanh tay “chào cô” rồi xin lỗi vì làm tôi sợ. Sau đó, cậu ta nói rất lớn với đồng bọn: “Tụi bay oánh ai thì oánh. Đây là cô của tao, đừng bao giờ đụng vô!”. Tôi chưa kịp nhận ra em này từng học khóa nào nhưng buổi sáng hôm ấy mãi mãi không thể nào quên được.

Một học trò đặc biệt nữa là Ngân, học sinh lớp 6A6 vào năm 2000. Vì một nỗi phiền muộn sẵn có ở nhà nên khi kiểm tra, thấy Ngân viết nguệch ngoạc trong cuốn sổ soạn văn, tôi la em…

Hôm sau, Ngân không đi học. Tôi tìm đến nhà em cách trường 10 km. Cha mẹ Ngân tiếp tôi và nói không hiểu lý do gì mà con họ nhất định xin chuyển lớp mới chịu đi học. Tôi nhìn cô học trò nhỏ đang cho bầy vịt ăn, biết cô giáo đến nhưng nhất định không chịu ra chào. Bóng Ngân trong ráng chiều nhìn bé bỏng, em lùa bầy vịt vô vườn rồi lủi thủi ra sau bếp. Tôi ân hận đến rơi nước mắt.

Tôi ghi bức thư ngắn nhờ cha mẹ của Ngân chuyển cho em. Bức thư có đoạn: “Hãy quay trở lại lớp, cô trò mình sẽ mua tập vở mới, em sẽ viết lại chúng nhé. Sớm mai cô đợi em…”. Và sáng hôm sau, Ngân đã đến lớp. Sau này, Ngân trở thành phóng viên một tờ báo ở Cà Mau.

Trong lũ, lúa vẫn chín, trẻ con vẫn đến trường nhưng cô gái 16 năm trước, khi “tuổi mộng hãy còn xanh” thì đã không còn dạy học trên đất phù sa. Tôi đã rời nơi mình từng gắn bó suốt 15 năm ấy để đi theo hướng khác. Nhưng với tôi, ngôi trường và hình ảnh những thế hệ học trò sẽ còn đọng mãi trong trí nhớ. Tiếng trống khai giảng vang lên, tôi quay xe đi và biết rằng những đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục dìu dắt học sinh, đặc biệt là học trò cá biệt, để các em nên người. 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo